Cộng đồng trách nhiệm trong phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mới được Bộ GD&ĐT ban hành đã có những triển khai nhanh chóng, thiết thực ở cơ sở. Tình thần chung trong triển khai là cộng đồng trách nhiệm; trong đó có vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhà giáo, CBQL và người lao động tại các cơ sở giáo dục.

Kỷ cương trong giáo dục là trách nhiệm chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh: Đức Chiêm
Kỷ cương trong giáo dục là trách nhiệm chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh: Đức Chiêm

Tiêu chí đánh giá hiệu trưởng

Nhấn mạnh muốn làm tốt phòng chống bạo lực học đường cần có sự chung tay góp sức của cả xã hội, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, ngành Giáo dục đã và đang tập trung một số giải pháp; trong đó có việc tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Phân công rõ trách nhiệm của các sở ngành, huyện thị trong phối hợp giáo dục đạo đức, phòng chống bạo lực học đường.

Sở GD&ĐT, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh để ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong cơ sở giáo dục. Ký quy chế phối hợp với công an tỉnh, tỉnh đoàn, tăng cường tổ chức hoạt động đoàn, đội giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức của HS trong thực hiện nội quy, quy định trường học.

Với các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ quản lý, sát sao theo dõi nền nếp dạy học, tình hình tư tưởng của GV, học sinh (HS). Phân công trách nhiệm rõ trong ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, các tổ chức đoàn, đội, giáo vụ về theo dõi, giám sát hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Phối hợp với gia đình, chính quyền (công an xã) trong giáo dục, nắm bắt tư tưởng HS. Hàng tháng họp với chính quyền địa phương, trao đổi thông tin về tình hình nhà trường, đặc biệt quan tâm đến HS cá biệt. Nhà trường cũng được yêu cầu khi họp phụ huynh cần dành thời gian thỏa đáng để thông tin tình hình dạy học, những vấn đề cần quan tâm trong giáo dục con em thực hiện nội quy nhà trường, an toàn giao thông, phòng chống đuối nước, bạo lực học đường…

Để làm tốt phòng chống bạo lực học đường, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kĩ năng sống thành môn học chính thống trong chương trình chính khóa; đồng thời ban hành thông tư mới về khen thưởng, kỉ luật HSSV cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hằng cũng nhấn mạnh vai trò của GV chủ nhiệm lớp và cho rằng, đây là lực lượng chính trong nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý HS. Nếu GV chủ nhiệm tốt, nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên trao đổi với phụ huynh, sẽ hạn chế, ngăn chặn các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

“Để nâng cao kỹ năng, năng lực tư vấn cho HS, Sở GD&ĐT đang biên soạn, thẩm định tài liệu bồi dưỡng và tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho GV chủ nhiệm các cấp, bậc học. Chúng tôi cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác triển khai ở các đơn vị. Xử lý nghiêm, kịp thời, không bao che sai phạm. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền khen thưởng, nhận rộng gương người tốt, việc tốt, Sở GD&ĐT sẽ xếp loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc, trong đó có tiêu chí thực hiện nội quy, quy định điều lệ trường học, bạo lực học đường” - bà Nguyễn Thị Hằng cho biết.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Hướng tới mô hình “trường học hạnh phúc”

TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) – bày tỏ sự nhất trí với việc ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; đồng thời khẳng định quyết tâm phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc tổ chức, thực hiện chỉ thị này.

Nhận thức về vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhà giáo, CBQL và người lao động tại các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện, đổi mới, TS Vũ Minh Đức cho biết: CĐGDVN đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng để thực hiện nhiệm vụ này. Mới đây, CĐGDVN đã ban hành kế hoạch 103 về thực hiện nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của đội ngũ GV, xây dựng hình ảnh người GV tận tụy, gương mẫu, tâm huyết.

Để thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng, theo TS Vũ Minh Đức, trong thời gian tới, CĐGDVN sẽ triển khai những nội dung lớn.

Thứ nhất: Phối hợp tổ chức cung cấp, quán triệt, học tập các nội dung, quy định của pháp luật, của ngành về đạo đức nhà giáo; nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm, yêu thương của các thầy/cô giáo đối với các em HS; động viên, hướng dẫn các thầy/cô giáo thay đổi hành vi, hướng đến mô hình “trường học hạnh phúc”.

Đẩy mạnh việc thực hiện 2 cuộc vận động lớn “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và “Mỗi thầy/cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với những nội hàm mới, phù hợp với tình hình hiện nay; nhằm cho GV hiểu, ngấm, thấm và tự giác thực hiện các quy định của ngành; xây dựng lòng tự tin, tự trọng nghề nghiệp; tự nguyện rời khỏi đội ngũ GV khi thấy mình không đủ tâm huyết, tình yêu nghề nghiệp hoặc có hành vi vi phạm đạo đức.

Thứ 2: Tổ chức các hoạt động hỗ trợ GV thông qua tổ chức tọa đàm, tập huấn, chia sẻ về kỹ năng ứng xử sư phạm, công tác tâm lý học đường, nắm tình hình diễn biến tư tưởng của HS…; nhận diện, ngăn ngừa các xu hướng bạo lực học đường hoặc các biểu hiện gây mất an toàn trường học. Xây dựng mô hình điểm về “Trường học hạnh phúc” với 3 giá trị cốt lõi là: Yêu thương – an toàn – tôn trọng; nhân rộng mô hình này ra toàn ngành. Tranh thủ hạ tầng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận GV, nắm thông tin, chia sẻ, hỗ trợ…

Thứ 3: Làm tốt công tác phát hiện gương người tốt, việc tốt trong giáo dục, yêu thương HS để tuyên dương, khen thưởng kịp thời và lan tỏa trong ngành. Phối hợp với VTV7 tổ chức cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” nhằm khơi dậy lòng tự hào nghề nghiệp, tính làm gương của GV.

Thứ 4: Đề nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp với CĐGDVN; thể chế hóa nhiệm vụ của Công đoàn ngành trong các văn bản chỉ đạo; làm cơ sở cho các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các địa phương phối hợp với CĐGD tỉnh/thành phố, Liên đoàn lao động các địa phương trong triển khai các hoạt động công đoàn có tính nghề nghiệp. Từ đó, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cũng như góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ