Cộng đồng học tập

GD&TĐ - Thành tích của đoàn HS đoạt giải Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 đã mang vinh quang về cho Tổ quốc; làm nức lòng hàng triệu giáo viên, HS và lan toả tình yêu các môn học đến cộng đồng xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhìn lại những năm qua cho thấy, kết quả dự thi Olympic quốc tế của các đội tuyển quốc gia Việt Nam và Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế liên tục tiến bộ với những thành tích xuất sắc. Qua đó, đã tạo động lực để giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Thực tế cho thấy, phát triển giáo dục “mũi nhọn” cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đó không chỉ đơn thuần là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, mà còn là nỗ lực của thầy – trò, quan tâm của các cấp, ngành, cùng sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lan toả tinh thần hiếu học, niềm say mê nghiên cứu, học tập đến thế hệ trẻ nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, nhất là với các môn khoa học cơ bản. Tinh thần này, cần được lan toả theo “cấp số cộng”; thậm chí là “cấp số nhân”.

Đơn cử như môn Toán, trước vấn đề, làm thế nào để lan toả tới giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung; một chuyên gia, nhà khoa học viện dẫn: Các thống kê nghiêm túc đều cho thấy, số lượng và chất lượng công bố quốc tế của Việt Nam về Toán trong giai đoạn vừa qua liên tục được cải thiện. Đó là hệ quả của việc ra đời và triển khai thực hiện đúng hướng của quỹ NAFOSTED và chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học của Chính phủ. Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ rất cụ thể; trong đó có việc lan tỏa toán học tới cộng đồng nói chung và các bạn trẻ nói riêng.

Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã mở nhiều ngày hội toán học trẻ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh. Bên cạnh phát triển toán học lý thuyết, các chương trình nghiên cứu toán học ứng dụng cũng được đề cập trong chương trình đã, đang và sẽ được nghiêm túc thực hiện.

Thiết nghĩ, không chỉ với môn Toán, mà nhiều bộ môn khác, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản cũng cần có những cách làm thiết thực, sáng tạo và có động thái tích cực từ Trung ương đến địa phương, nhằm thu hút giới trẻ tham gia vào các hoạt động học tập, nghiên cứu, tiến tới phát triển thành cộng đồng học tập và nghiên cứu. Trên cơ sở đó, bồi đắp tình yêu, niềm say mê với từng môn học; từ đó phát triển thành nhu cầu tự thân của mỗi người.

Song cũng rất cần chế độ đãi ngộ, vinh danh, khen thưởng xứng đáng cho thầy – trò khi đạt được thành tích cao; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách để thu hút và bồi dưỡng tài năng ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cần thực hiện đổi mới chương trình, tài liệu dạy - học và chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn. Đồng thời, thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Mặt khác, cần tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Cùng với đó, huy động sự đóng góp từ nhân dân, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà, trong đó có giáo dục mũi nhọn. Tất nhiên, cũng không nên vì sức ép thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế mà chúng ta “đi tắt”, quy rút quá trình đào tạo, bồi dưỡng những em có năng khiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.