GS.TS Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Báo GD&TĐ ý nghĩa của việc cùng chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ.
Từ quốc tế đến Việt Nam
- Thưa giáo sư, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ được các nước tiên tiến thực hiện cho thấy kinh nghiệm gì?
- Qua phân tích tổng hợp các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước về mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong CSGD trẻ cho thấy vai trò phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong CSGD trẻ đặc biệt ý nghĩa. Tác dụng của sự phối hợp này ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của học sinh/trẻ mầm non được đánh giá đúng đắn và mang tính toàn diện.
Mỗi nước/vùng đưa ra một cách thức phù hợp với điều kiện của mình. Điều này làm nên sự phong phú, là kinh nghiệm hay trong quá trình xây dựng mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác CSGD trẻ ở nước ta.
Tầm nhìn giáo dục cho mọi người (EFA) được UNESCO cùng các tổ chức của Liên Hợp Quốc và quốc gia trên thế giới đề xuất năm 1990 ở Thái Lan cho thấy sự ghi nhận về tầm quan trọng và trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc phát triển giáo dục nói chung, giáo dục mầm non (GDMN) nói riêng. Trong đó phụ huynh và cộng đồng được xem là những người CSGD trẻ trong giai đoạn đầu tiên.
Nhìn từ quốc tế và Việt Nam đều cho thấy, việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau. Vì thế, giáo dục nói chung và chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non nói riêng luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội và nhất là đòi hỏi sự quan tâm, cùng tham gia của nhà trường, gia đình và cộng đồng.
- Ở nước ta, việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được thực hiện thế nào?
- Trong hệ thống giáo dục quốc dân, GDMN là bậc học đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của bậc học trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước ta cũng như các cấp, ngành cùng chính quyền địa phương luôn quan tâm đến bậc học mầm non, tạo điều kiện, tăng cường đầu tư nguồn lực con người, vật chất và phát triển các chính sách cho bậc học này.
Nghị quyết số 29-NQ/TW tiếp tục xác định: “…GDMN giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1…”. Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015”, tại Khoản 3, Mục I, Điều 1 nêu rõ: “Việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non phải được thực hiện với sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội. Coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, cha mẹ của trẻ nhằm thực hiện đa dạng hoá phương thức chăm sóc, giáo dục trẻ em”.
Nghị quyết 29 của Trung ương và các Quyết định của Chính phủ, cũng như Luật Giáo dục là minh chứng rõ nét khẳng định gia đình, nhà trường và cộng đồng luôn được coi là “tam giác vàng” giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Tầm quan trọng của mỗi lực lượng cũng như mối quan hệ giữa ba lực lượng này trong việc đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em và học sinh luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng.
- Giáo sư đánh giá thế nào về công tác phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ giai đoạn hiện nay?
- Các văn bản quy phạm pháp quy đều khẳng định: “Việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non phải được thực hiện với sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho phụ huynh, cha mẹ của trẻ nhằm thực hiện đa dạng hóa phương thức chăm sóc và giáo dục trẻ”.
Tại Điều lệ trường mầm non, ban hành kèm theo Quyết định số 52/2020/TT-BGDĐT, ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã quy định trách nhiệm của nhà trường, nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phối hợp với cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan và quy định trách nhiệm của gia đình trong tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.
Thực tế cho thấy hiện nay, công tác phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được sức mạnh tổng hợp và huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia ngày càng tích cực hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác phối hợp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu về chất lượng và số lượng.
Ở không ít các cơ sở GDMN, nhiều phụ huynh và các lực lượng xã hội còn hạn chế về nhận thức và kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ. Một số cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng xã hội còn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và sự cần thiết phải phối hợp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và dân chủ trong nhà trường mầm non. Việc xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình với các lực lượng xã hội chưa theo quy trình, tính khả thi không cao;
Về phía quản lý, các văn bản, nội quy, quy định, cơ chế phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội trong tổ chức hoạt động CSGD trẻ trong nhà trường mầm non còn chưa đầy đủ, quy định còn chung chung, thiếu cụ thể nên hiệu quả trong triển khai thực thi chưa cao, chưa huy động được các lực lượng tham gia và phát huy được tiềm năng của lực lượng này.
Điều này dẫn đến hiện tượng một số trẻ em, học sinh chưa được hưởng điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn; môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đảm bảo an toàn, thân thiện, có nhiều nguy cơ; chất lượng chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng xã hội. Tình trạng suy dinh dưỡng, rối loạn dinh dưỡng trẻ em và các bệnh thường gặp ở trẻ vẫn ở mức cao; bạo hành trẻ và sang chấn tâm lý diễn biến phức tạp ở các cơ sở GDMN.
Sớm khắc phục bất cập
- Thực tế trên, theo giáo sư cần phải có giải pháp gì để tháo gỡ?
- Thực tế cho thấy các nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong CSGD trẻ mầm non đã tổ chức thực hiện; tuy nhiên các nội dung không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực. Ở các vùng phía Bắc và miền Trung, công tác phối hợp thực hiện tốt, được đánh giá cao hơn so với khu vực ở phía Nam. Trong từng vừng miền, lại có sự khác biệt giữa khu vực thành thị với nông thôn.
Đối với các mô hình phối hợp và giải pháp thực hiện, kết quả khảo sát cho thấy, chưa có sự thống nhất giữa các khu vực và vùng miền, đồng thời cũng chưa thực sự có giải pháp đề triển khai các mô hình đó. Điều này đồng nghĩa với việc cần có mô hình phối hợp chung cũng như mô hình đặc thù, đồng thời có các giải pháp để thực hiện. Có như vậy, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong CSGD trẻ ở trường mầm non mới có thể nâng cao được chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần sớm đề xuất chính sách, định hướng chiến lược công tác CSGD trẻ em trong các cơ sở GDMN; Phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu GV mầm non hiện nay, bảo đảm bố trí đủ định biên 2 giáo viên/nhóm, lớp; nếu bố trí chưa đạt định mức tối đa, các địa phương cần cấp bù kinh phí để trường mầm non thực hiện thanh toán vượt giờ theo quy định, nhằm bảo đảm chế độ làm việc cho GV.
Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá phân loại GV để có kế hoạch bồi dưỡng thích hợp. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo trường lớp phục vụ các mô hình CSGD trẻ; khai thác có hiệu quả học liệu, trang thiết bị dạy học và đồ dùng đồ chơi. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo đầy đủ, kịp thời phù hợp với tình hình của địa phương. Đổi mới công tác quản lý thực hiện Chương trình CSGD trẻ ở các vùng dân tộc thiểu số, trường có trẻ có nhu cầu đặc biệt, trẻ em dưới 36 tháng.
Đặc biệt, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đông đảo nhân dân, các cấp, ngành thấy rõ vai trò của chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chỉ đạo cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số về việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ thông qua hình thức như họp phụ huynh, giờ đón trả trẻ, giao lưu, lễ hội, hoạt động trải nghiệm của trẻ ở nhà trường... Triển khai mô hình điểm có chất lượng tại huyện có trẻ dân tộc thiểu số; nhân rộng điển hình tiên tiến về tập thể, cá nhân có sáng tạo hiệu quả, tích cực đổi mới trong quá trình thực hiện.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận