Quy định về xếp hạng, phân loại, phân chuẩn còn chưa phù hợp
Nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Nghị định này đồng thời quy định kết quả kiểm định chất lượng GD được coi là một trong các điều kiện để thực hiện phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH. Các trường ĐH muốn được xếp hạng phải được kiểm định; kiểm định để xem trường đó có đáp ứng chuẩn chất lượng tối thiểu hay không.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH; trong đó sử dụng 8 tiêu chí để xác định cơ sở GDĐH có đạt chuẩn quốc gia hay không. Trong 8 tiêu chí được đưa ra, tiêu chí 6 yêu cầu cơ sở GDĐH phải được kiểm định chất lượng GD trường ĐH theo quy định của Bộ GD&ĐT và giấy chứng nhận đạt chất lượng còn thời hạn tính đến thời điểm xét công nhận cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, để đạt chuẩn quốc gia, cơ sở cần có ít nhất 30% tổng số các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận. Tiêu chí 7 yêu cầu về điều kiện xếp hạng. Bộ chỉ số đưa ra chỉ có mức đạt và không đạt, do đó không tạo động lực để các trường phấn đấu liên tục để đạt chuẩn cao hơn, chỉ cần đạt ngưỡng.
Vậy là, từ hai công cụ quản lý chất lượng GDĐH khác nhau, Việt Nam lại sử dụng kết quả kiểm định để làm một căn cứ để xếp hạng (Nghị định 73) và kết quả kiểm định, xếp hạng làm căn cứ phân mức đạt chuẩn hoặc chưa đạt chuẩn quốc gia (Thông tư 24).
Phân loại ĐH là cơ sở để các trường khẳng định thương hiệu và các nhóm nghiên cứu mạnh phát triển. Ảnh: NT |
Đề xuất 5 tiêu chí, 14 chỉ số phân loại các trường ĐH Việt Nam
Sau khi tham khảo chỉ số phân loại của châu Âu (U-MAP), QS và dựa trên phân loại cơ sở GDĐH theo mô hình tổ chức là ĐH và trường ĐH theo quy định của Luật GDĐH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất bộ tiêu chí phân loại các trường ĐH Việt Nam bao gồm 5 tiêu chí và 14 chỉ số.
Cụ thể, tiêu chí “điều kiện đảm bảo chất lượng” gồm 3 chỉ số: Cơ sở vật chất, giảng viên, tài chính. Tiêu chí “đào tạo” gồm 3 chỉ số: Khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; đánh giá của người học về chất lượng, hiệu quả đào tạo; kiểm định chương trình đào tạo. Tiêu chí “nghiên cứu khoa học” gồm 3 chỉ số: Năng suất nghiên cứu, mức độ ảnh hưởng nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu.
Tiêu chí “hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng” gồm 3 chỉ số: Tổng thu từ dịch vụ khoa học và công nghệ, cán bộ khoa học nước ngoài, người học là người nước ngoài. Tiêu chí “quản trị ĐH” gồm 2 chỉ số: Mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động, năng lực ứng dụng CNTT trong quản trị cơ sở.
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số phân loại sâu là đảm bảo các yếu tố về kiểm định chất lượng và xếp hạng, coi trọng cả các chỉ số quy mô nhằm phân loại được tất cả hệ thống, phản ánh được sức ảnh hưởng của nhà trường đến xã hội và cả chỉ số năng suất để có thể đánh giá được chất lượng của nghiên cứu khoa học, hiệu quả của công tác giảng dạy…
Bộ tiêu chí, chỉ số cùng các chỉ số sử dụng cho đánh giá, phân loại, phân mức chất lượng các cơ sở GDĐH, qua đó đánh giá được bức tranh tổng thể hệ thống GDĐH Việt Nam. Thông qua việc áp dụng chuẩn tối thiểu của một cơ sở GDĐH để tiến hành chuẩn hóa và phân hạng các cơ sở GDĐH.
Bộ chỉ số không khô cứng mà linh hoạt bao gồm các chỉ số bắt buộc và tự chọn, áp dụng khác nhau đối với các cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH theo định hướng ứng dụng. Các chỉ số bắt buộc bao gồm các chỉ số cốt lõi liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng (3 chỉ số liên quan đến đầu vào, quá trình nội bộ là cơ sở vật chất, giảng viên, tài chính) và 1 chỉ số đầu ra phụ thuộc vào định hướng phát triển của cơ sở GDĐH.
Theo đó, định hướng nghiên cứu lấy năng suất nghiên cứu, định hướng ứng dụng lấy kết quả đầu ra về đào tạo là khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Phần các chỉ số tự chọn chỉ cần đạt các chỉ số tối thiểu và các cơ sở GDĐH có thể linh hoạt chọn đánh giá tùy theo thế mạnh của trường, phù hợp với mục tiêu, sứ mạng của nhà trường và tạo động lực phấn đấu cho các trường. Các chỉ số đều định lượng được.
Các nhà quản lý có thể cân nhắc sử dụng bộ tiêu chí trong công tác phân loại, phân hạng, quy hoạch hệ thống GDĐH Việt Nam, cũng như có cơ sở trong việc định hướng đầu tư. Đối với các trường ĐH, bộ tiêu chí, chỉ số này có thể được sử dụng để tự “soi mình”, xem nhà trường mạnh điểm nào để phát huy và yếu điểm nào để khắc phục và có định hướng phát triển. Ngoài ra, bộ tiêu chí còn có thể dùng làm khung cho các trường đối sánh với nhau.