Chiều qua (30/5), Cục CSGT ra mắt phần mềm tra cứu thông tin GPLX. Từ nay, lái xe cố tình gian dối, giả báo mất để được cấp nhiều giấy phép lái xe, hoặc bị tạm giữ, tước không đến nộp phạt nhằm xin cấp lại, phần mềm sẽ phát hiện ngay...
Có thể tra cứu mọi lúc, mọi nơi
Đại úy Nguyễn Phước Huy, Phó trưởng phòng 1 (Cục CSGT) cho biết, phần mềm tra cứu thông tin GPLX được tích hợp trên cổng thông tin của Cục CSGT. Có 3 trường hợp tra cứu: Tạm giữ GPLX mà người vi phạm không đến xử lý; những lái xe đang bị tước quyền sử dụng; phương tiện vi phạm giao thông được phát hiện qua hình ảnh.
“Phần mềm này được tích hợp với phần mềm tra cứu GPLX của Tổng cục Đường bộ VN để lực lượng CSGT các địa phương có thể tra cứu thông tin về GPLX vi phạm”, Đại úy Huy nói và cho biết, hiện có trên 3.000 trường hợp vi phạm được tích hợp vào phần mềm.
“Phần mềm sẽ cho phép tra cứu GPLX vi phạm trên phạm vi toàn quốc để các đơn vị có thể tra cứu. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng sẽ có tài khoản riêng để tra cứu GPLX có bị tạm giữ hay tước không. Phần mềm này được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Cục CSGT với địa chỉ tên miền (csgt.vn). Trong đó sẽ có 3 phần như: Tên truy cập, mật khẩu và khi tra cứu nhập số GPLX vào phần tìm kiếm sẽ cho ra kết quả có trong dữ liệu kết quả vi phạm”, Đại úy Huy thông tin.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, khi chia sẻ và kết nối được thông tin GPLX bước đầu có ý nghĩa tích cực. Khi CSGT kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX được phép điều khiển phương tiện. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị CSGT tạm giữ, bị xử lý vi phạm.
“Phần mềm cũng được mở rộng thêm chức năng tra cứu vi phạm qua hình ảnh, khi tra cứu lái xe sẽ biết được mình đã bị vi phạm ở đâu. Sau thời gian nỗ lực, phần mềm cũng hoàn thành để bắt đầu hoạt động đúng vào ngày 1/6 như kế hoạch. Cục CSGT sẽ tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật, thao tác để phần mềm hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt đảm bảo ATGT. Điều quan trọng nữa là hoàn thiện hành lang pháp lý để pháp lý hóa việc tra biển số”, Trung tướng Dũng cho biết thêm.
Tiền đề để xây dựng dữ liệu chung
Hàng trăm GPLX giả và GPLX quá hạn xử lý bị chủ phương tiện bỏ lại tại Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hữu Tuấn |
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cũng như theo dõi, quản lý GPLX được kết nối giữa hai Bộ Công an, Giao thông và người dân. “Phần mềm này sẽ trị được người gian dối xin cấp nhiều GPLX. Việc làm này thể hiện tính minh bạch, xử lý nghiêm minh trong quá trình sử dụng GPLX. Đây sẽ là tiền đề để Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ VN xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ quản lý đảm bảo ATGT. Trên cơ sở kết nối này, Tổng cục Đường bộ VN sẽ xây dựng, cập nhật dữ liệu về lịch sử GPLX của một người bắt đầu từ khi học đến khi không hành nghề nữa. Trong quá trình này lái xe mắc lỗi về vi phạm rượu bia, ma túy... sẽ được lưu trữ cả đời. Qua đó, minh bạch được quá trình xử lý của cơ quan pháp luật đối với lái xe”, ông Huyện cho biết.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện - Người lái (Tổng cục Đường bộ VN), Thông tư 12 của Bộ GTVT đã có chế tài xử phạt rất nặng những trường hợp gian dối xin cấp thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3. Theo đó, người sử dụng GPLX đã báo mất, trong quá trình điều khiển phương tiện nếu bị CSGT phát hiện sẽ bị thu hồi tất cả GPLX đã được cấp. Sau 5 năm người đó mới được học và thi lại.
“Ví dụ, người có GPLX hạng D, hay E sau 5 năm mới được quay lại học và thi lại bắt đầu từ hạng B, hạng C, sau đó mới được nâng hạng, việc nâng hạng từ B lên D cũng phải mất thêm 3 - 5 năm. Người có GPLX hạng D bị phát hiện gian dối để xin cấp lại sẽ phải mất 10 năm mới phục hồi được bằng lái”, ông Thống phân tích.
Từ 1/6 tới, khi có sự phối hợp giữa hai ngành, khi CSGT xử lý vi phạm, cập nhật trên cơ sở dữ liệu và khi CSGT tra cứu trên cơ sở dữ liệu này, phát hiện các trường hợp gian dối và gửi sang ngành Giao thông, những trường hợp này sẽ bị thu hồi GPLX.
“Việc phối hợp có hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ 1/6 sẽ kết nối để tra cứu dữ liệu vi phạm, CSGT sẽ truy cập vào dữ liệu GPLX của ngành giao thông để tra cứu. Giai đoạn 2, CSGT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, sau đó sẽ cung cấp cho Tổng cục và các Sở GTVT truy cập, tra cứu khi cấp lại GPLX. Hệ dữ liệu này của CSGT cũng được cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia, khi đó các ngành khác cũng có thể truy cập vào dữ liệu”, ông Thống nói.
Cũng theo ông Lương Duyên Thống, để đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật, trước mắt giai đoạn 1, chỉ cho phép cơ quan chức năng liên quan truy cập vào phần mềm. Khi triển khai giai đoạn 2, hệ thống được nâng cấp mới cho phép cá nhân hoặc tổ chức khác truy cập vào phần mềm này.