Giáo viên VNEN và câu hỏi trong hoạt động khởi động

GD&TĐ - Kích thích tính tò mò và định hướng hoạt động của học sinh (HS) trước khi hình thành kiến thức là mục đích chính của phần khởi động trong dạy học VNEN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để tổ chức hoạt động khởi động đạt được mục đích trên, người GV có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như kể chuyện, xây dựng tình huống có vấn đề, nêu câu hỏi có vấn đề, hoạt động trải nghiệm, quan sát,…

Tuy nhiên dù có dưới bất kì hình thức nào thì giáo viên (GV) vẫn phải dùng câu hỏi để kết nối HS tham gia vào hoạt động học.

Giáo viên cũng cần dự kiến hoạt động của HS, tức là HS sẽ làm gì, trả lời câu hỏi như thế nào, sẽ có những thắc mắc gì?
 
TS.Nguyễn Vinh Hiển

Dưới đây là những chia sẻ của TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - về việc sử dụng câu hỏi trong nhóm hoạt động khởi động để định hướng suy nghĩ của HS vào những nội dung chưa được sáng tỏ, muốn được sáng tỏ qua bài học mới.

Bằng các câu hỏi, GV giúp HS tự thể hiện những thắc mắc, nhu cầu cần tìm hiểu về một vấn đề/nhiệm vụ chuẩn bị được học; muốn đào sâu hoặc tìm cách lí giải cho mình một vấn đề chưa thấu đáo nào đó.

Theo hướng này thì sản phẩm của hoạt động khởi động phải là những câu hỏi có liên quan đến bài học, những dự kiến về kế hoạch học tập tiếp theo hoặc những dự đoán về kết quả của việc học…

Chuẩn bị của giáo viên

Một tiết học VNEN
Một tiết học VNEN 

Với nội dung này, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, giáo viên cần nghiên cứu mục tiêu bài học, nội dung bài học trong sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV); hình dung ra kịch bản bài học trên lớp.

Cùng với đó, cụ thể hoá mục tiêu bài học thành những yêu cầu cụ thể (đầu ra) của hoạt động học, nếu SGK và SGV nêu chưa được cụ thể.

Tìm hiểu để biết HS đã có những kiến thức, kinh nghiệm gì (từ thực tiễn, từ các bài đã học ở cùng môn hay môn khác trong chương trình tiểu học hoặc trung học cơ sở) liên quan đến nội dung học tập trong bài học mới để sẵn sàng gợi ý cho HS nhớ lại và liên hệ với bài mới, để HS cảm nhận được nhiệm vụ bài học là nhẹ nhàng, không xa lạ.

Từ đó hình dung cụ thể hoạt động khởi động ở trên lớp và thiết kế câu hỏi phù hợp, kích thích tính tò mò và định hướng hoạt động của HS vào bài học mới.

Giáo viên cũng cần dự kiến hoạt động của HS, tức là HS sẽ làm gì, trả lời câu hỏi như thế nào, sẽ có những thắc mắc gì?

Thực hiện trên lớp

Giáo viên yêu cầu HS đọc và làm theo SGK hoặc thực hiện theo thiết kế mới của GV; nếu cần, GV hướng dẫn thêm nhằm làm cho HS ý thức rõ vấn đề/tình huống/nhiệm vụ học tập cần phải thực hiện.

Ngoài những nhiệm vụ, câu hỏi trong SGK, GV cần dự kiến thêm những câu hỏi để gợi lại các kiến thức, biểu tượng đã có của HS liên quan đến bài học mới; những câu hỏi cho HS giỏi để phát triển vấn đề, tìm hiểu vấn đề ở mức cao; những câu hỏi để cụ thể hoá, chia nhỏ, làm rõ vấn đề đối với những HS còn chưa rõ.

GV dùng các câu hỏi “mở” để khuyến khích HS nêu các câu hỏi, giải pháp… khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Không cần trả lời, không cần khẳng định đúng sai ngay trong hoạt động khởi động.

Từ đó, GV cùng HS lựa chọn những câu hỏi, giải pháp muốn được/cần được trả lời, khẳng định. GV sắp xếp lại, ghi tóm tắt trên bảng chính để định hướng hoạt động học bài mới và để đối chiếu với kết quả học vào cuối nhóm hoạt động luyện tập để biết rằng có phải tất cả HS đã đạt mục tiêu bài học hay chưa?

TS Nguyễn Vinh Hiển cụ thể những lưu ý trên qua ví dụ thực hiện hoạt động khởi động của bài "Cổng trường mở ra" (Ngữ văn 7) của một GV. Xem chi tiết ví dụ này TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.