Công bố công trình nghiên cứu, cung cấp một hướng tiếp cận văn học mới

GD&TĐ - “Văn học như một diễn ngôn” - công trình PGS.TS Trần Văn Toàn tâm huyết, bền bỉ nghiên cứu của trong suốt 17 năm - được công bố chiều 23/12.

PGS.TS Trần Văn Toàn.
PGS.TS Trần Văn Toàn.

Được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm công bố chiều 23/12, đây là công trình nghiên cứu chi tiết, công phu, hệ thống nhằm cung cấp một hướng tiếp cận văn học mới, mang tính thời sự.

Trong công trình, PGS.TS Trần Văn Toàn - Giảng viên cao cấp, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - tập trung nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp khoa học của Foucault, mô tả lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault với những công cụ và thao tác nghiên cứu chuyên biệt.

Đặc biệt, phần thực hành phân tích diễn ngôn đã tập trung đi sâu nghiên cứu một số diễn ngôn trong văn học Việt Nam hiện đại nhằm tìm cách diễn giải mới về một số hiện tượng của văn học Việt Nam, hướng tới giải quyết một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam.

z6157968343803-092ba2108144c35105be32e14b133779.jpg
Tọa đàm ra mắt sách "Văn học như một diễn ngôn".

Công trình được cấu trúc thành ba phần chính:

Phần một “Lí thuyết diễn ngôn và nghiên cứu văn học - những vấn đề lí thuyết”, dựng lại chân dung học thuật của Foucault và cung cấp một khung lí thuyết về phân tích diễn ngôn nói chung cũng như thảo luận về mối quan hệ giữa phân tích diễn ngôn và nghiên cứu văn học.

Phần hai “Lí thuyết diễn ngôn và những vấn đề văn học sử Việt Nam”, đi sâu phân tích tương quan quyền lực/tri thức giữa chủ thể thuộc địa và chủ thể thực dân quan diễn ngôn về bản sắc và kẻ khác; phân tích tương quan quyền lực về giới tính và những hệ quả của nó trong đời sống văn học từ trung đại đến 1945; đặt vấn đề về thiết chế văn học và những tác động của nó đến hoạt động sáng tác trong lịch sử văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại.

Phần ba “Những sắc màu diễn ngôn” với 9 bài viết độc lập, các bài viết trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đề tài. Các thao tác, khái niệm công cụ của phân tích diễn ngôn trong những bài viết này được sử dụng đan cài với các thao tác, kĩ năng phân tích văn học khác.

GS.TS.NGND. Trần Đình Sử nhận định, “Văn học như một diễn ngôn” của PGS.TS. Trần Văn Toàn là một đóng góp quý báu không chỉ cho ngành nghiên cứu văn học Việt Nam, cho các nhà văn học sử, mà còn cho lí thuyết văn học.

Cùng với lí thuyết là phần thực hành bằng những nghiên cứu trường hợp về một số diễn ngôn trong văn học Việt Nam lí thú và hấp dẫn được tác giả nghiền ngẫm, khảo cứu trong một thời gian dài. Các vận dụng đó không chỉ tìm cách diễn giải mới về một số hiện tượng của văn học Việt Nam, mà còn hướng tới giải quyết một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam như phụ đề của tác phẩm cho biết, chứng tỏ đây là một công trình lí thuyết hướng vào văn học sử hiện đại.

Văn học như một diễn ngôn nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học trong trường đại học và trường phổ thông.

Michel Foucault (1926 - 1984) là nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà sử học, nhà văn, nhà phê bình văn học,... người Pháp nổi tiếng với những tư tưởng về quyền lực, tri thức và chủ thể. Ông để lại một di sản tri thức phong phú và giá trị, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực như lịch sử văn hoá, triết học, nghiên cứu văn học, tâm lí học,... Tư tưởng của ông vẫn tiếp tục được nghiên cứu, tranh luận và áp dụng trong nhiều bối cảnh học thuật và xã hội hiện đại, trong đó lí thuyết diễn ngôn của Foucault - một phần quan trọng trong tư tưởng của ông - đã mở ra những hướng nghiên cứu mới trong nhiều lĩnh vực khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.