3 bước đọc hiểu văn bản văn học

GD&TĐ - Môn Ngữ văn Chương trình GDPT 2018, kiểm tra, đánh giá người học ở các năng lực: Đọc, viết, nói và nghe.

Giờ sinh hoạt chuyên đề môn Ngữ văn tại Trường THCS Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT
Giờ sinh hoạt chuyên đề môn Ngữ văn tại Trường THCS Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Nội dung để kiểm tra các năng lực này chủ yếu thông qua ba thể loại văn bản: Thông tin, nghị luận và văn học. Như vậy, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản, đặc biệt là văn bản văn học cần được giáo viên chú ý bởi đọc hiểu một văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận đã khó, đọc hiểu một văn bản văn học mới (chưa xuất hiện trong sách giáo khoa) còn khó hơn nhiều lần.

Chúng ta cần hiểu rằng đọc sách báo là nhu cầu tự nhiên: Đọc để giải trí, hiểu biết, trau dồi vốn sống để sống tốt hơn. Ai biết chữ và thích đọc đều có thể đọc. Nhưng văn bản văn học là văn bản nghệ thuật, muốn hiểu biết và thưởng thức thường không dễ.

Các Mác từng nói, đối với đôi tai không biết âm nhạc thì bản nhạc hay nhất cũng không có ý nghĩa gì. Nhà văn Sê-khốp trong một vở kịch đã từng chế giễu người xem kịch hát chỉ hứng thú với cái giọng trầm của diễn viên.

Đối với anh ta nội dung vở kịch không có gì đáng chú ý. Như vậy không có kỹ năng đọc hiểu, đọc mà không hiểu gì về văn bản văn học thì tác phẩm dẫu có dễ hiểu bao nhiêu cũng vẫn có thể hiểu sai, hiểu lệch. Thế thì để đọc hiểu một tác phẩm văn học, theo tôi, giáo viên cần giúp học sinh nắm vững 3 bước sau.

Đọc - hiểu ngôn từ của văn bản

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng sử dụng một chất liệu nhất định trong tự nhiên để xây dựng thành hình tượng. Nhờ những thủ pháp nghệ thuật riêng của từng loại hình nghệ thuật, các chất liệu tự nhiên được nhào nặn lại và trở thành những yếu tố mang tính thẩm mỹ.

Quan hệ giữa hình tượng và chất liệu là quan hệ hữu cơ, xuyên thấm, thâm nhập vào nhau. Chất liệu sẽ mất đi tính thẩm mỹ nếu rời bỏ hình tượng và ngược lại hình tượng chỉ có thể tồn tại qua chất liệu. Vì vậy trong thực tế không có hình tượng nói chung mà chỉ có hình tượng gắn liền với chất liệu cụ thể: Hình tượng hội họa được xây dựng bằng đường nét, màu sắc; hình tượng điêu khắc được xây dựng bằng đường nét, hình khối; hình tượng âm nhạc được xây dựng bằng nhịp điệu, giai điệu.

Còn văn học? Văn học xây dựng hình tượng bằng ngôn từ. Nói văn học là nghệ thuật ngôn từ thực chất là nói văn học là nghệ thuật sử dụng các từ ngữ hình tượng, các phương thức chuyển nghĩa của từ, câu, đoạn... để tạo nên chỉnh thể tác phẩm thống nhất.

Để đọc - hiểu văn bản văn học thì trước hết phải có ấn tượng toàn vẹn về văn bản. Muốn vậy, phải đọc đúng, đọc thông suốt toàn văn bản, hiểu được các từ khó, từ lạ, điển cố, phép tu từ... Đối với thơ, nếu học thuộc lòng thì càng tốt, bởi thế ấn tượng về âm hưởng, hình ảnh thơ sẽ ăn sâu vào tâm trí tạo điều kiện để hiểu thơ hơn.

Đối với tác phẩm truyện phải nắm được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc. Khi đã thuộc lòng văn bản nghĩa là đã nhập tâm vào văn bản và hoàn toàn “chiếm lĩnh” được thế giới ngôn từ.

Ngoài ra, khi đọc văn bản văn học cần hiểu được cách diễn đạt, nắm bắt mạch xuyên suốt từ câu trước ra câu sau, ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt là phát hiện ra những mạch ngầm trong văn bản, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế phải đọc kỹ thì mới phát hiện ra những điểm đặc sắc, khác thường thú vị.

Thực hiện những yêu cầu trên học sinh cần (hoặc giáo viên hướng dẫn học sinh) tiến hành một số bước như sau:

Bước 1: Gạch chân những từ khó, chìa khóa trong văn bản.

Bước 2: Nắm bắt logic của văn bản, trong đó có logic về thể loại và logic về ý nghĩa.

Bước 3: Khảo sát ngôn ngữ văn bản bằng cách xác định những từ hoặc hệ thống từ chìa khóa trong văn bản, xác định các biện pháp tu từ và ý nghĩa của việc sử dụng những phép tu từ đó.

Bước 4: Tìm những điểm bất thường trong logic sự kiện và đánh giá những điểm bất thường đó có dụng ý gì của người viết.

Bước 5: Xâu kết các hoạt động trên để tạo ra những ấn tượng chung về nội dung và hình thức văn bản.

Các bước này có thể yêu cầu học sinh chuẩn bị ở nhà (đối với văn xuôi) hoặc thực hiện tại lớp (đối với thơ, các đoạn kịch).

Như vậy, đọc hiểu ngôn từ là hoạt động tiền đề, có tính chất bản lề cho việc đọc hiểu hình tượng nghệ thuật.

Đọc - hiểu hình tượng nghệ thuật

Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để nhận thức và cắt nghĩa đời sống, thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình giúp con người thể nghiệm ý vị của cuộc đời và lĩnh hội mọi quan hệ có ý nghĩa muôn màu muôn vẻ của bản thân và thế giới xung quanh.

Nhưng khác với các nhà khoa học, người nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp bằng ý nghĩ, tình cảm, khái niệm trừu tượng, định lí, công thức mà bằng hình tượng, nghĩa là làm sống lại một cách cụ thể và gợi cảm những sự việc, hiện tượng, những con người... đáng làm ta suy nghĩ về tính cách và số phận, về tình đời tình người qua một chất liệu cụ thể - ngôn từ.

Như vậy, hình tượng nghệ thuật là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện không phải bằng sao chép cái có sẵn mà bằng tưởng tượng sáng tạo. Các khách thể này tồn tại trong không gian, thời gian, trong các sự kiện và những quan hệ, và quan trọng là chúng thường có nội tâm, ngoại hình, hành động, ngôn ngữ. Đó là tính tạo hình của hình tượng.

Thế giới hình tượng không chỉ được nghệ sĩ phú cho một hình hài, thể xác mà có khả năng bộc lộ cái bên trong, hé mở những nỗi niềm thầm kín trong tâm hồn. Đó chính là tính biểu hiện của hình tượng. Tính biểu hiện góp phần gợi lên sự toàn vẹn, đầy đặn của hình tượng.

Hình tượng nghệ thuật trong thơ văn có thể là một bông hoa, vầng trăng, nàng Thúy Kiều, một người chinh phụ, Chí Phèo, Bá Kiến… cũng có thể là một tâm trạng, cảm xúc của con người… Nó có thể là bất cứ gì tồn tại trong thực tế khách quan. Hình tượng nghệ thuật về thiên nhiên hay về con người, sự vật đều được nhà văn sáng tạo ra bằng sự liên tưởng, tưởng tượng để nhà văn thể hiện tư tưởng tình cảm của mình và khái quát về hiện thực đời sống, hướng người đọc đến cái chân, thiện, mỹ.

Hình tượng nghệ thuật vừa là sự phản ánh, nhận thức đời sống, lại vừa là một quan hệ xã hội thẩm mỹ. Đó là những mối quan hệ chồng nén, đối xứng, nhân hóa, ví von... tạo thành những phức hợp quan hệ mang nội dung khái quát.

Trước hết đó là quan hệ giữa thế giới nghệ thuật với thực tại mà nó phản ánh, thứ đến, là quan hệ của tác giả đối với cuộc sống trong tác phẩm, quan hệ tác giả với người đọc, quan hệ hình tượng với ngôn ngữ của một nền văn hóa, quan hệ giữa các yếu tố của bức tranh đời sống. Phức hợp quan hệ này làm cho hình tượng nghệ thuật là một nội dung đa nghĩa, hàm súc, như “phần chìm của tảng băng trôi”.

Muốn đọc - hiểu tầng cấu trúc hình tượng nghệ thuật của tác phẩm văn chương phải có cái nhìn sâu sắc về hệ thống ngôn từ, một chất liệu biến hóa tạo nên hình tượng. Người đọc phải so sánh đối chiếu những hình ảnh có liên quan với nhau để xác định hình tượng trung tâm của tác phẩm.

3 buoc doc hieu van ban van hoc.jpeg
Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả và thưởng thức văn học

Nhà văn sáng tác bao giờ cũng nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm. Đó là linh hồn của tác phẩm. Vì vậy, đọc - hiểu văn bản văn học là phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản.

Tuy nhiên, tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học thường không được trực tiếp nói ra bằng lời. Chúng thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài lời, vì thế, người ta đọc - hiểu tư tưởng tác phẩm bằng cách kết hợp ngôn từ và phương thức biểu hiện hình tượng.

Văn bản văn học nói chung không bao giờ nói thẳng tuột ý muốn biểu đạt, cho nên việc đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả ở đây đòi hỏi người đọc phải có năng lực phán đoán, khái quát chính xác, và đó là biểu hiện của sáng tạo.

Đọc “Dưới bóng hoàng lan” (Thạch Lam), chúng ta được khơi gợi thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời. Đọc “Những tháng năm rực rỡ” (Ae-ran Kim), chúng ta lại ngộ ra được rằng một người chỉ thực sự chết khi họ không còn tồn tại trong trái tim của mọi người.

Đọc “Chiếc lá cuối cùng” (O. Henry), chúng ta lại thẩm thấu được cái nhìn đầy độ lượng, thương cảm, lạc quan của nhà văn đối với con người và cuộc sống và đặc biệt chúng ta nhận thức được sâu sắc, rằng nghệ thuật chân chính bao giờ cũng xuất phát từ tình cảm chân thành trong trái tim của mỗi con người và tạo ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Khi một ý nghĩa nào đó xuất hiện trong văn bản văn học, nói chung đều gắn với sự mong muốn, chờ đợi của người đọc, một sự chờ đợi phù hợp với cách biểu đạt của ngôn từ và logic của hình tượng.

Đọc – hiểu như vậy là sự tự khẳng định của người đọc về nhiều mặt. Người đọc sung sướng nhận ra tư tưởng của tác phẩm, sự thống nhất toàn vẹn của văn bản xung quanh tư tưởng ấy, cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa của văn bản và có được khoái cảm về tinh thần.

GS Hoàng Tuệ từng khẳng đinh rằng: Kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là kỹ năng lao động của con người. Phải có kỹ năng ấy con người mới có thể tham gia thực sự vào hoạt động lao động xã hội hiện đại. Nội dung sơ đẳng nhất của việc đọc đó là nắm bắt đúng thông tin trong văn bản sau đó mới tới cảm nhận giá trị thẩm mỹ, tiếp nhận giáo dục hay năng lực tư duy sáng tạo.

Nếu không tự đọc hiểu văn thì không thể trau dồi viết văn cho tốt được. Nếu không có năng lực đọc - hiểu thì nếu sử dụng một văn bản cùng loại với văn bản đã học trong sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ rất khó khăn khi tiếp cận. Vì vậy, muốn đọc hiểu được văn bản văn học, cảm thông và thưởng thức được các giá trị tư tưởng, nghệ thuật thì phải học cách đọc, phải có phương pháp, kỹ năng đọc.

Tiếp cận một văn bản văn học theo từng bước trên, tôi tin chắc rằng người học sẽ tìm được chiếc chìa khoá để “mở cửa” đi vào khám phá văn bản một cách dễ dàng hơn.

Thưởng thức văn học là trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của tác giả, vừa hưởng thụ ấn tương sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của đọc – hiểu văn bản văn học. Khi đọc các tác phẩm ưu tú của nhân loại mà chưa đạt đến trạng thái tinh thần ấy, thì có thể nói, việc đọc chưa đạt tầm cao của rung cảm và hưởng thụ nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.