Công an TPHCM hướng dẫn cách thoát nạn khi cháy chung cư

GD&TĐ - Đối với nhà chung cư, các vụ cháy nguy hiểm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người thường xuất phát từ hầm để xe.

Thực tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tổ dân phố 20, khu phố 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TPHCM). Ảnh: Cảnh sát PCCC.
Thực tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tổ dân phố 20, khu phố 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TPHCM). Ảnh: Cảnh sát PCCC.

Chiều 14/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, đối với nhà chung cư các vụ cháy nguy hiểm nhất, dễ gây cháy lan và thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người là các vụ cháy xuất phát từ hầm để xe và tại các chung cư có thiết kế cầu thang bộ (kẻ cả thang máy) đi từ hầm để xe lên các tầng không thực hiện nghiêm các giải pháp an toàn về thoát hiểm cho cầu thang bộ (buồng thang không kín, tăng áp buồng thang…).

Với những trường hợp này, đám cháy, khói độc nhanh chóng lan tỏa theo cầu thang lên các tầng tòa nhà. Khi xảy ra cháy, người dân tìm cách thoát ra an toàn theo cầu thang bộ để xuống đất và bị ngạt khói, bị cháy gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, khi gặp sự cố hỏa hoạn ở chung cư, người dân cần bình tĩnh xác định khu vực an toàn và khu vực cháy, xác định rõ để giải quyết tình huống theo 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, đám cháy xảy ra trong căn hộ của mình. Nếu không dập tắt được đám cháy thì tìm cách thoát ra khỏi khu vực cháy, đóng cửa ngăn khu vực cháy với khu vực khác để không cháy lan, thoát ra khỏi căn phòng, căn hộ. \

Nếu không thoát ra được cửa trước thì thoát ra phía sau căn hộ (không trốn vào nhà vệ sinh) để thoát hiểm, chờ lực lượng cứu hộ (hoặc thoát sang căn hộ khác).

Thứ hai, đám cháy xảy ra ngoài căn hộ của mình, phải xác định khu vực cháy và khói nguy hiểm để tránh xa, tuyệt đối không thoát ra lối cầu thang bộ (thang máy) để xuống đất bằng mọi giá.

Trường hợp mở cửa căn hộ thấy hành lang bộ đã có cháy, khói thì đóng hết cửa căn hộ phía trước (cả phía sau nếu thấy khói 2 phía), không cho khói vào căn hộ - lấy giẻ, khăn bịt kín lổ hổng ngăn không cho khói vào phòng, thực hiện các biện pháp an toàn cho bản thân, gọi điện thoại để lực lượng PCCC biết, cứu hộ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng chia sẻ một số kỹ năng cơ bản khi không thể xử lý tình huống như trên.

Cụ thể, khi căn hộ có khói bao trùm, không thể đứng di chuyển an toàn cần cúi khom lưng và men theo tường; phải tìm ra lối thoát hiểm theo đèn hoặc thông báo chỉ dẫn.

Nếu không còn cách nào khác, buộc phải phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM.

Bên cạnh đó, khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người.Nếu lối thoát hiểm nhiệt độ tăng dần thì phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 114.

Ngoài ra, có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất.

“Tuyệt đối không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Đồng thời không sử dụng thang máy khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Để thoát hiểm an toàn phải thoát hiểm bằng thang bộ (khi thang bộ an toàn)”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào toà nhà. Đây cũng chính là “dây cứu mạng” cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ