TPHCM không để xảy ra tình trạng 'lạm thu' trong trường học

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng cho con đến trường, các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến các khoản thu đầu năm.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tựu trường năm học 2023-2024.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tựu trường năm học 2023-2024.

Sở GD&ĐT TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường, trong đó nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng “lạm thu”.

Đảm bảo đúng quy định

Đầu năm học mới, các vấn đề về việc thu quỹ trường, lớp đang trở thành mối quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là những phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, thu sai quy định của các trường và các đơn vị liên quan, Ban đại diện cha mẹ học sinh,… chiều 7/9, Sở GD&ĐT TPHCM đã thông tin về việc thu quỹ trường, lớp đầu năm học mới.

Theo đó Sở GD&ĐT TPHCM đang cùng các sở ngành, địa phương soạn thảo hướng dẫn Nghị quyết 04 năm 2023 của HĐND TPHCM quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM năm học 2023-2024.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tất cả tên các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh, trong đó nhóm 1 đối với các trường ở khu vực nội thành và nhóm 2 đối với các huyện ngoại thành… Ngoài ra, tất các mức thu (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa theo quy định cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn”.

“Trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của cha mẹ học sinh để xây dựng Dự toán thu, chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể phù hợp từng đơn vị năm học 2023-2024. Khi xây dựng dự toán căn cứ nội dung theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện các chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác theo quy định”, ông Hồ Tấn Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.

TPHCM không để xảy ra tình trạng 'lạm thu' trong trường học ảnh 1

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trong ngày khai giảng năm học mới 2023-2024.

Không dùng tiền mặt

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Đặc biệt để tránh "lạm thu" Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt cũng được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ. Chị Trịnh Thị Hải Yến (TP Thủ Đức) có con gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn cho biết, bản thân thấy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện. Không còn cảnh phải chờ đợi, xếp hàng để đóng tiền học cho con nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

“Sợ nhất là cảnh phải chờ đợi, trong khi đó công việc lại bận rộn. Trước đây tôi phải tranh thủ giờ đưa đón để đóng tiền học cho con, nói chung là rất bất tiện. Mấy năm gần đây tôi và nhiều phụ huynh cảm thấy thoải mái trong việc đóng tiền hằng tháng do trường đã thực hiện việc thu học phí không bằng tiền mặt”, chị Yến chia sẻ.

Còn chị Đặng Thị Dưng có con học lớp 2 trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thủ Đức) chia sẻ, hàng năm sau khi có hướng dẫn các khoản thu, nhà trường sẽ cung cấp số tài khoản và ghi chú phụ huynh có thể chuyển khoản học phí qua ngân hàng kèm hướng dẫn rất tiện lợi.

Chị Dưng ủng hộ hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chị cho biết: “Nhiều năm nay gia đình thanh toán tiền internet, điện, qua ví momo hoặc chuyển khoản ngân hàng rất nhanh chóng và tiện lợi. Giờ khi con đi học lại đóng học tiền bằng hình thức này không chỉ thuận tiện mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian”.

“Đối với học sinh khó khăn, các trường trên địa bàn TPHCM tiếp tục thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và hỗ trợ chi phí học tập căn cứ theo các văn bản hướng dẫn đã được ban hành. Thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh theo chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, ông Hồ Tấn Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ