Cấp tốc phòng bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại TPHCM

GD&TĐ - Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu ghi nhận nhiều học sinh bị đau mắt đỏ.

Trường Tiểu học Lê Văn Việt truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ cho học sinh.
Trường Tiểu học Lê Văn Việt truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trong tiết sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 tuần này (11/9), sau phần lễ chào cờ, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tổ chức truyền thông về phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.

Cô Nguyễn Thị Ngân Giang, nhân viên y tế của trường đã tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trước toàn thể học sinh, như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.

Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác...

Hiện tượng học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ ngày khai giảng. Khi phát hiện học sinh có triệu chứng, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đón trẻ về để điều trị, tránh lây lan. Đến nay cơ sở giáo dục này này đã ghi nhận hơn 20 học sinh mắc bệnh.

Bà Đặng Thị Ánh Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ, nhà trường thực hiện các biện pháp vệ sinh, hướng dẫn học sinh, giáo viên phòng, chống.

“Để chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh cũng như đảm bảo sức khỏe cho thầy cô giảng dạy, nhà trường cũng đã mua nước muối sinh lý nhỏ mắt phát cho giáo viên”, bà Minh nhấn mạnh.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang (TP Thủ Đức), hàng ngày vào cuối mỗi buổi học nhà trường đều tổ chức tổng vệ sinh toàn trường để phòng dịch đau mắt đỏ. Nhân viên y tế phối hợp với bảo mẫu của các lớp phụ trách làm vệ sinh lớp học bằng nước tẩy Javel, cồn 70 độ sau khi học sinh tan trường.

Các giáo viên cũng tuyên truyền cách phòng, chống dịch đến phụ huynh thông qua nhóm Zalo, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM...

Chị Lê Thị Hường, nhân viên y tế nhà trường chia sẻ: “Ngoài việc vệ sinh trường lớp, nhà trường còn hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân sạch sẽ và tuân thủ những biện pháp phòng dịch theo chỉ dẫn y tế.

Lưu ý phụ huynh nếu các con bị đau mắt đỏ phải báo giáo viên và cho học sinh nghỉ học đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh dịch lây lan. Từ sau khai giảng đến nay trường ghi nhận khoảng 60 học sinh bị đau mắt đỏ”.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12) cho biết, những ngày qua trường bố trí nhân viên y tế và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp, đồng thời vệ sinh lớp học bằng nước tẩy Javel sau khi học sinh ra về.

Thầy cô cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đến nhóm Zalo các lớp, hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo nhà trường và cho các em nghỉ học.

“Trong tuần qua, toàn trường ghi nhận hơn 120 học sinh bị đau mắt đỏ. Với những học sinh không may mắc bệnh, nhà trường cho phép các em nghỉ học đến khi khỏi hẳn mới đến trường”, bà Yến nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Ngân khám mắt cho trẻ.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Ngân khám mắt cho trẻ.

Cẩn trọng trước nguy cơ bùng dịch

Theo chia sẻ của BSCKI Trần Thị Thúy Ngân, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, TPHCM), bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết TPHCM thay đổi thất thường, môi trường nhiều khói bụi và trẻ vừa bắt đầu quay lại đi học chính là nguyên nhân chủ yếu để số ca đau mắt đỏ tăng vọt. Chỉ trong 2 tuần gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị 70 ca.

“Đau mắt đỏ chủ yếu do 2 chủng virus Enterovirus và Adenovirus gây ra. Adenovirus là nhóm virus có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch đau mắt đỏ trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà.

Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc có thể từ 1 đến 2 tuần và thời gian người bệnh lây cho người lành là từ 2 tuần trở lên kể từ khi biểu hiện bệnh.

Một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng đã có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo nên dịch trong cộng đồng”, bác sĩ Ngân cho biết.

Theo bác sĩ Ngân, hiện nay chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm.

Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống). “Đau mắt đỏ mặc dù khá lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi... gây ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt.

Đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh. Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) đường lây có thể qua giọt bắn”, bác sĩ Ngân cho hay.

Bác sĩ Ngân cũng lưu ý, trong giai đoạn nhập trường, trẻ có nguy cơ lây nhiễm đau mắt đỏ cao. Khi trẻ có các triệu chứng như cộm mắt, ngứa mắt, đỏ, đổ ghèn, đau họng, sốt, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly, sử dụng các vật dụng riêng, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, đưa trẻ tới các bệnh viện có chuyên khoa mắt thăm khám.

Ba mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt vì rất nguy hiểm cho trẻ.

“Đau mắt đỏ không lây truyền qua việc nhìn. Đeo kính râm chỉ giúp mắt đỡ kích thích khó chịu với ánh sáng và tránh bụi bặm chứ không tránh được lây nhiễm, nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với người bị viêm kết mạc.

Phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi tụ tập đông người và thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên, tránh tiếp xúc vào các vật dụng nơi công cộng.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, có chế độ sinh hoạt phù hợp để tăng cường sức đề kháng”, bác sĩ Ngân chia sẻ.

“Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm đến 31/8, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm ngoái. Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ 15.402 ca, chiếm 24,43%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ