Vẫn còn thí sinh mang điện thoại vào phòng thi
Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an thành phố Hà Nội - cho biết: Từ nhiều năm nay tại các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù đã được tuyên truyền, phổ biến, nhưng nhiều thí sinh vẫn mang điện thoại di động, thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.
Mới đây tại kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội, vẫn còn 2 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại. Đề thi tuyển sinh vào 10 chưa được xác định là tài liệu bí mật nhà nước nhưng với đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật nhà nước nên việc xử lý sẽ khác. Do đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền thí sinh về quy định bảo vệ đề thi, bảo vệ bí mật nhà nước và các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cơ quan điều tra công an tỉnh Cao Bằng đã đề nghị khởi tố, đưa ra xét xử 3 trường hợp làm lộ đề thi. Kết luận của cơ quan an ninh điều tra nêu, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc là do công tác quán triệt, phổ biến cho thí sinh chưa đầy đủ.
Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an thành phố Hà Nội. |
Ông Hải cũng cho biết, vào tháng 4/2024, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 5 sinh viên mang điện thoại di động vào phòng thi trong một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Theo đó, 5 thí sinh nữ giấu điện thoại di động trong đế giày. Trong đó, 3 người đã chụp được đề gửi ra ngoài và 2 người chưa kịp thực hiện hành vi thì bị phát hiện.
Đáng chú ý, trước đó khi kiểm soát thí sinh vào phòng thi, giám thị đã dùng thiết bị rà quét nhưng thí sinh vẫn có cách để qua mặt. Ông Hải cho rằng, dù sử dụng thiết bị rà quét nhưng thí sinh vẫn có có cách đối phó. Điều đó càng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nhắc nhở, phòng ngừa gian lận.
Thượng tá Ngô Xuân Hải cũng lưu ý các cán bộ coi thi trong việc phối hợp với lực lượng công an khi phát hiện thí sinh sử dụng điện thoại di động. Khi phát hiện, cán bộ coi thi phải kịp thời báo cáo điểm trường, hội đồng thi và lực lượng công an quận, huyện để xác minh xem thí sinh đã chụp đề gửi ra ngoài chưa nhằm kịp thời truy xét, xác minh phạm vi lộ lọt đến đâu để nhanh chóng ngăn chặn.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 của Hà Nội, đã có tình trạng thí sinh chụp đề thi ra ngoài nhưng cán bộ coi thi đã phát hiện và thông báo với lực lượng công an nhằm kịp thời truy xét. Trường hợp này, thí sinh gửi đề ra bên ngoài cho anh trai và người yêu anh trai để giải. Tuy nhiên, lực lượng công an đã kịp thời khoanh vùng và chưa lộ đề cho người thứ 3.
Do đó, ông Hải nêu sự cần thiết trong phối hợp ngăn chặn hiệu quả giữa cán bộ coi thi và lực lượng công an. Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền để không xảy ra vi phạm. Nếu xảy ra, cần kịp thời khoanh vùng tránh gây ảnh hưởng đến kỳ thi chung.
Trong tổng số 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có gần 47.000 thí sinh tự do. Tại Hà Nội, số thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là hơn 4.600 em, chiếm gần 10% tổng số thí sinh tự do của cả nước. Số lượng thí sinh tự do dự thi đông khiến việc phát hiện những hành vi gian lận sẽ khó hơn những năm trước.
Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA06), Công an thành phố Hà Nội. |
Cẩm nang phát hiện gian lận
Tại Hội nghị hướng dẫn coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội, Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA06), Công an thành phố Hà Nội cũng đã hướng dẫn cán bộ coi thi cách nhận biết các loại thiết bị thông minh có thể phục vụ cho việc gian lận thi cử.
Theo đó, đặc điểm chung của những thiết bị này là có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng hoặc được thiết kế nhỏ gọn gắn với thiết bị thông dụng được phép mang vào phòng thi. Để thực hiện hành vi gian lận, những thiết bị này được liên kết qua 2 phần là trong phòng thi của thí sinh và ngoài phòng thi của các đối tượng hậu thuẫn cho thí sinh.
Trong phòng thi, về cơ bản thiết bị gồm 2 bộ phận là tai nghe và thiết bị thu phát. Tai nghe phổ biến là tai nghe siêu nhỏ, không dây có kích thước bằng hạt đậu, hạt tấm và sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát để nghe được âm thanh do người khác gọi đến và truyền thông tin ra bên ngoài.
Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới dạng đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, kính mắt, dây thắt lưng, máy tính, đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thông minh, nhẫn thông minh…thí sinh có thể giấu trong người, vật dụng cá nhân mang vào phòng thi.
Ngoài phòng thi, ở một vị trí bất kỳ bên ngoài khu vực thi là nơi tiếp nhận thông tin về đề thi do thí sinh gửi ra. Thông tin được chuyển đến các đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại tới tai nghe của thí sinh. Các đối tượng bên ngoài sử dụng điện thoại để gọi và kết nối với bên trong.
Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, để phát hiện thiết bị gian lận được đưa vào phòng thi thì vai trò của cán bộ coi thi rất quan trọng. Cán bộ coi thi có thể phát hiện thông qua quan sát một số đặc điểm bề mặt của vật dụng.
Các thầy cô có thể xác định các dấu hiệu bất thường khác với tính năng của vật dụng, đảm bảo không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi..) không có lỗ cắm jack nguồn, lỗ mic, ống lắp camera.
Công an Hà Nội hướng dẫn cách phát hiện các thiết bị thông minh có thể sử dụng cho mục đích gian lận thi. |
Ví dụ máy tính cầm tay bình thường, ngoài bàn phím và màn hình, trước mặt sẽ không có bất kỳ một lỗ, khe hở nào. Còn máy tính cầm tay có ngụy trang thì chắc chắn có lỗ mic, lỗ cắm nguồn để sạc pin. Khi kiểm tra đồng hồ điện tử, cần quan sát trạng thái hoạt động của đồng hồ, màn hình cảm ứng, các biểu tượng thông báo cột sóng vô tuyến, wifi, bluetooth, NFC hay 3G, 4G có trên màn hình.
Ngoài ra, để nhận biết thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi, cán bộ coi thi cần chú ý quan sát biểu hiện tâm lý của thí sinh. Theo lẽ thường, thí sinh gian lận luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình, thụ động, có những biểu hiện khác thường, lo lắng, hồi hộp mất tự nhiên. Dù thời tiết nóng bức nhưng lại mặc áo dài tay, nhiều lớp, để tóc dài trùm tai.
Sau khi nhận được đề thi, thí sinh gian lận có thể phát sinh những biểu hiện như miệng lẩm nhẩm đọc đề hoặc đọc phát ra rõ tiếng, quá trình làm bài thi không tập trung, thể hiện chờ đợi thông tin qua thiết bị giấu trong người, ngồi không yên, hay quan sát cán bộ coi thi. Thí sinh gian lận cũng có thể hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai có thể gây ngứa ngáy khó chịu.