Trước khi quyết định lấy anh làm chồng, chị cũng đấu tranh tâm lí dữ lắm. Chị không biết nên chọn lựa tình yêu hay sự nghiệp bởi anh làm việc ở tít tận Cà Mau còn chị đang công tác tại một trường tiểu học ở quê. Chị biết giờ lấy anh thì xác định bỏ công việc để theo chồng chứ không thể hai người hai nơi được. Và chị cũng biết mảnh đất xa xôi ấy chẳng dễ gì để chị kiếm được cho mình một công việc ổn định như hiện tại. Nhưng những lời đường mật của anh, những hứa hẹn có cánh từ nơi anh đã khiến lí trí của chị chịu thua tình cảm.
Thời gian đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của vợ chồng anh chị quả thật hạnh phúc. Lương anh không quá cao nhưng cũng đủ để trang trải thoải mái cho cuộc sống của hai vợ chồng. Biết chị sẵn sàng bỏ sự nghiệp để theo chồng vào nơi đất khách, anh cũng thương chị và thường xuyên đưa chị đi chơi đây đó để cho chị đỡ buồn. Nhưng khi có con rồi đủ các khoản phải chi tiêu, cộng thêm đồng tiền ngày càng mất giá, lương anh lại cứ dậm chân tại chỗ, áp lực kinh tế bắt đầu đè nặng lên đôi vai anh.
Khi đứa con trai đầu vừa tròn 6 tháng, chị nhờ mẹ chồng vào trông hộ để xin việc đi làm. Đang vui mừng vì có chỗ để làm kiếm thêm thu nhập phụ cho chồng thì chị lại phát hiện mình có bầu thêm một lần nữa. Vừa con mọn vừa bầu bí vừa đi làm, chị mệt mỏi, bị áp lực và ức chế. Anh khuyên chị nên nghỉ ở nhà đợi sinh xong hai đứa lớn rồi đi làm cũng chưa muộn. Với lại chị thấy sức mình không kham nổi nên quyết định nghỉ việc ở nhà đợi sinh xong rồi tính tiếp.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên khi nghỉ việc ở nhà, nghĩ con trai mình vất vả, con dâu ở nhà sung sướng hưởng thụ, mẹ chồng chị tỏ vẻ không hài lòng. Bà ngọt nhạt bảo chị: “Coi bộ chị mà làm nông chắc không làm nổi. Ngày xưa tôi cũng sinh năm một đó nhưng vẫn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đến tận ngày đẻ đó thôi. Thời đại bây giờ khác quá, người giờ không chịu khó được như người ngày xưa. Thôi giờ chị nghỉ thì tôi về quê. Chừng nào sinh tôi vào giữ cháu cho mà đi làm”. Chị hiểu ý mẹ chồng nhưng thôi kệ, dù gì cũng đã nghỉ rồi, giờ bầu bì xin việc đâu chỗ nào nhận nữa mà bà không sống với mình cả đời đâu mà sợ. Đợi sinh con xong chờ con cứng cáp tí rồi chị sẽ xin việc sau cũng được.
Rồi thời gian trôi đi, ngày đứa con thứ của chị tròn một tháng tuổi, cũng là ngày siêu thị vừa mới xây ở gần chỗ chị ở đăng tin tuyển dụng nhân viên. Thấy những người ở xung quanh hồ hởi mang hồ sơ đi nộp mà con dâu không thấy động tĩnh gì, mẹ chồng chị đứng ngồi không yên. Vừa xót con trai vất vả, vừa sợ... con dâu ở nhà sung sướng quá, bà nhắc khéo chị: “Cà Mau khó xin việc chả trách gì thấy người ta dành nhau nộp hồ sơ, giờ không nộp chắc còn lâu lắm mới có cơ hội”.
“Biết thế nhưng giờ bé còn quá nhỏ, bỏ nó đi làm thì không đành lòng mẹ ạ”, chị nhỏ nhẹ đáp lại. Mẹ chồng chị được thể nguýt ngang thở dài thườn thượt: “Ngày xưa tôi đẻ được một tháng là để con ở nhà cho ông bà trông để ra đồng cấy hái rồi. Không làm thì ai làm cho mà ăn. Mà chị thấy đấy con tôi đứa nào cũng lớn lên, khỏe mạnh và thông minh đấy thôi. Thương con là phải đi làm mà nuôi con chứ không phải ru rú ở nhà ôm con đâu”.
Thấy chị im lặng không nói gì mẹ chồng chị, được đà, lại tiếp tục buông ra những lời cay đắng: “Đành rằng không có ai trông con cho thì chị ở nhà trông con cũng được. Đằng này con để tôi trông, tôi tạo điều kiện hết sức cho chị rồi mà vẫn không chịu nữa. Hay là chị giờ ăn bám chồng quen rồi, sướng quen rồi giờ không muốn đi làm nữa? Coi như con trai tôi vô phúc, giờ một mình còng lưng đi làm mà nuôi tới ba bốn miệng ăn”.
Từ trước chị biết thân biết phận mình "chưa kiếm được đồng nào về cho gia đình” nên cố nhịn mẹ chồng cho êm chuyện. Nhưng càng nhịn thì mẹ chồng chị lại càng lấn tới. Đến mức này thì chị chào thua: “Con chịu hết nổi rồi. Được rồi, ngày mai con sẽ đi nộp hồ sơ phỏng vấn xin đi làm. Mẹ hài lòng rồi chứ?”. Chị vừa nói vừa khóc, những giọt nước mắt tủi hờn cứ thế tuôn trào. Chị vừa thương mình mới sinh xong cơ thể còn yếu đã phải đi kiếm việc làm, chị vừa thương đứa trẻ còn quá nhỏ đã thiếu hơi mẹ. Thế nhưng chị biết làm gì hơn khi người mẹ chồng cay nghiệt ấy không hiểu và thông cảm, lúc nào cũng đem "chuyện ngày xưa" ra để so sánh...