Các nô lệ cao su chủ yếu là người bản địa không chỉ thiệt mạng vì làm việc quá sức, mà còn bị tra tấn, bỏ đói đến chết. Không ít bộ lạc đã bị xóa sổ và nhiều bộ lạc chỉ còn lại vài thành viên.
Khu vực tài nguyên cao su
Thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển nhanh mạnh của máy móc và hệ thống giao thông, thúc đẩy nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên liên quan tăng vọt. Cả châu Âu lẫn Mỹ đều điên cuồng thăm dò và vơ vét khắp thế giới, đặc biệt là những nơi có cây cao su.
Rừng mưa Amazon sinh trưởng nhiều giống cây cao su khác nhau như Hevea Brasiliensis, Castilla Ulei, Sepium Verum… Bắt đầu từ năm 1879, thực dân phương Tây nhắm tới nơi này.
“Cơn sốt cao su” bùng nổ, được chia làm 2 giai đoạn, 1879 - 1912 và 1942 - 1945. Toàn bộ mủ cao su được đưa tới 2 cảng chính là Iquitos ở Peru và Manaos ở Brazil, vận chuyển tới châu Âu.
Sinh cư trong rừng mưa Amazon là các dân tộc bản địa châu Mỹ. Họ gọi cây cao su bằng 2 cái tên là Cahuchu và Cauchu, tức “cây khóc”. Trước năm 1879, rừng mưa Amazon là nơi khai thác cây canh-ki-na, thảo dược điều trị bệnh sốt rét.
Vì yếu thế trước vũ khí tối tân của thực dân là súng đạn, các dân tộc bản địa bị áp chế, bóc lột sức lao động và biến thành nô lệ canh-ki-na. Sau năm 1879, họ đổi sang nô lệ cao su.
Từ giai đoạn đầu, các thương nhân phương Tây đã đua nhau xâm chiếm rừng mưa Amazon, dựng lên các xưởng cao su và áp chỉ tiêu thu gom cho nhân công. Mỗi xưởng cao su có khoảng 100 nhân công, hầu hết đều là người bản địa.
Các chủ xưởng bóc lột họ bằng chiêu bài trao đổi hàng hóa, cụ thể là lấy mủ cao su đổi các mặt hàng thiết yếu và ứng tiền trước. Tất cả các mặt hàng của họ đều có giá cực kỳ đắt đỏ nên các nhân công luôn trong tình trạng mắc nợ. Khi họ qua đời, số nợ này chuyển lên người con cái họ.
Năm 1903, Henry Ford thành lập Công ty Ô tô Ford. Năm 1928, ông xin mở đồn điền cao su ở khu vực rừng mưa Amazon của Brazil, đặt tên là Đồn điền Fordlândia. Chính phủ Mỹ đã cấp cho ông 10.000 km2 đất rừng mưa để trồng cao su, dự kiến cần đến 10.000 nhân công.
“Cao su thảm sát”
Kỹ thuật khai thác mủ cao su ở thời kỳ này hoàn toàn thủ công là khắc vết và gắn bát hứng mủ lên thân cây. Vì mủ cao su chảy ra rất chậm nên quá trình thu gom phải tốn mất vài ngày. Rừng mưa Amazon rất trơn trượt, rậm rạp, nhiều sinh vật gây hại và có độc nên việc đi lại là thử thách khắc nghiệt đến mức phải đánh đổi cả tính mạng.
Ngoài chiêu bài ứng tiền trước và trao đổi hàng hóa, thực dân phương Tây còn tàn bạo cướp đất đai và trắng trợn bắt bớ, cưỡng ép người bản địa làm nô lệ. Năm 1894, hàng trăm người Toyeri và Araseri ở Peru đã bị thảm sát chỉ vì từ chối trao đất và làm nô lệ cao su.
Cũng trong năm này, bộ lạc Mashco-Piro bị xóa sổ. Quá sợ hãi, nhiều nhân công bỏ trốn. Các chủ đồn điền liền thuê “thợ săn”, tìm kiếm, đe dọa và tấn công họ bằng súng trường. Toàn bộ người bản địa, không kể giới tính và tuổi tác đều bị cưỡng ép đi khai thác mủ cao su.
Chưa hết, vì lo ngại sẽ bị trả thù, các chủ đồn điền còn giết sạch đàn ông bản địa trưởng thành. Chỉ riêng trong khu vực sông Putumayo nằm gần biên giới Colombia và Peru, hơn 40 nghìn người Andoques, Boras và Huitoto đã bị giết.
Những nô lệ cao su còn lại cũng không tránh khỏi số phận thiệt mạng. Chỉ cần không đạt chỉ tiêu, họ liền bị đánh đập, bỏ đói đến chết. Thường thì một đồn điền cao su bắt đầu với khoảng 50 nghìn nhân công nhưng khi cơn sốt cao su kết thúc, số người còn sống chỉ khoảng 8 nghìn.
Trong thời kỳ bùng nổ cao su đầu tiên, khoảng 60 nghìn người bản địa ở Colombia bị mất mạng. Tại Bolivia, tất cả các bộ lạc đều mất đất, mất nhà, mất tự do.
Người đầu tiên lên án bạo lực và thảm sát vì cao su ở rừng mưa Amazon là kỹ sư đường sắt người Mỹ tên Walter Hardenburg. Ông đã đến đây vào năm 1907 – 1912, xuất bản một cuốn sách vạch trần thủ đoạn bóc lột tàn tệ của các chủ đồn điền. Chính phủ Anh liền cử nhà ngoại giao là Sir Roger Casement đến để điều tra và nhận được những báo cáo còn khủng khiếp hơn nữa.
Cũng trong năm 1912, thị trường cao su ở rừng mưa Amazon bắt đầu suy giảm do các đồn điền cao su ở châu Phi và châu Á phát triển mạnh. Thực dân Anh đã mang hạt cao su từ rừng mưa Amazon đến 2 châu lục này, phát hiện mủ từ cây cao su trồng tại đây chất lượng hơn và chi phí khai thác thấp hơn. Các nước thuộc địa khác liền điên cuồng áp dụng theo và lần lượt rút tay khỏi Nam Mỹ. Tuy nhiên, Thế chiến II lại nổ ra.
Trong Thế chiến II, phát xít Nhật Bản chiếm đóng nhiều khu vực sản xuất cao su quan trọng ở châu Á, ngăn chặn các cường quốc Đồng minh khai thác và vận chuyển mủ cao su về nước. Đói khát cao su khiến phương Tây quay lại Nam Mỹ, làm bùng nổ cơn sốt cao su lần thứ 2.
Vì bị bỏ hoang nhiều năm, các đồn điền cao su ở rừng mưa Amazon chỉ còn không quá 35 nghìn nhân công. Theo thỏa thuận với các nước Đồng minh, Brazil, khu vực sản xuất cao su trọng yếu nhất phải tăng sản lượng hàng năm vốn chỉ 18 nghìn tấn lên 45 nghìn tấn. Điều này đồng nghĩa với việc họ cần có đến 100 nghìn nhân công cao su mới. Đổi lại, Chính phủ Mỹ đồng ý trả cho Chính phủ Brazil 100 USD/nhân công.
Kết quả, chỉ riêng vùng Đông Bắc Brazil đã gửi hơn 54 nghìn người tới rừng mưa Amazon làm nhân công cao su. Điều kiện lao động khủng khiếp cùng bệnh sốt rét, sốt vàng da và viêm gan đã giết chết khoảng 30 nghìn người.
Sau Thế chiến II, Chính phủ Brazil cũng không thực hiện lời hứa “sẽ đưa những người lính cao su trở lại quê hương”. Ước tính, chỉ có khoảng 6 nghìn người tự xoay xở trở về được đến nhà.
Ngày nay, “cơn sốt cao su” ở rừng mưa Amazon vẫn liên tục được nhắc lại. Nó không chỉ lên án sự tàn bạo của chế độ thuộc địa, mà còn là bằng chứng của nạn phá rừng trầm trọng làm ảnh hưởng tới đa dạng sinh thái và sức khỏe sinh quyển. Tuy nhiên, lịch sử vẫn đang tái lập ở đây với nạn phá rừng trồng đậu nành và chăn nuôi bò tràn lan.