"Con nuôi đồn biên phòng" với tương lai tươi sáng

GD&TĐ - Gia đình chị Trần Thị Cậy (Kim Sơn, Ninh Bình) thuộc diện hộ nghèo nhất xã Kim Chung. Tuy nhiên 2 con chị vẫn được cắp sách tới trường nhờ sự hỗ trợ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn (BĐBP tỉnh Ninh Bình)

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn hỗ trợ cả tinh thần vật chất cho những trẻ em nghèo nơi biên giới. Ảnh: Đức Trí
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn hỗ trợ cả tinh thần vật chất cho những trẻ em nghèo nơi biên giới. Ảnh: Đức Trí

Những mảnh đời khốn khó

Trong căn nhà nhỏ, tuềnh toàng chị Trần Thị Cậy chia sẻ: Người chồng bị bệnh và mất sớm ở tuổi 42 tuổi, để lại cho chị 2 con thơ dại, đứa lên 3, đứa vào lớp 1. Những ngày ở nhà ôm con nhỏ kinh tế kiệt quệ, gia đình hai bên nội ngoại phải hỗ trợ từng bữa qua ngày. Bản thân chồng chị khi còn sống ốm yếu, bệnh tật, không nghề nghiệp ổn định, lúc ở nhà dưỡng bệnh nên kinh tế cũng chẳng thể khá giả. Thậm chí, từ lúc chồng mất đến nay hơn chục năm nhưng số tiền 14 triệu đồng nợ ngân hàng chị cũng chưa trả nổi.

Khi con cứng cáp hơn, đứa vào nhà trẻ đứa đi học chị Cậy lao đi kiếm sống. Vì mới học hết lớp 3 nên được nhờ việc gì chị làm nhưng việc chính vẫn là phụ hồ. Công việc nặng nhọc song chị không có cơ hội lựa chọn nên phải cố gắng hết sức để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.

“Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, việc phụ hồ cũng ít lắm bởi ảnh hưởng của dịch Covid. Từ Tết đến nay dịch ổn dần, việc nhiều hơn. Mỗi ngày phụ hồ từ sớm đến tối tôi được trả 250.000 đ. Việc vất vả nhưng số tiền tiền thù lao rất đáng kể để tôi duy trì cuộc sống 3 mẹ con. Chỉ mong sức khỏe ổn định để có việc sẽ đi làm đều…” chị Cậy tâm sự.

Thật may mắn, gánh nặng mưu sinh của chị Cậy đã được tháo gỡ phần nào khi tháng 9/2019 Đồn Biên phòng Kim Chung triển khai Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” đã rà soát toàn bộ các hộ gia đình khó khăn trong địa bàn 3 xã do đồn quản lý và quyết định nhận cậu con con trai lớn của chị là cháu Phạm Văn Trường làm “con nuôi” theo chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Theo đó, hàng tháng ngoài việc trợ kinh phí 1 triệu đồng cho cháu, đơn vị còn giúp đỡ những khoản thuộc về nhu cầu thiết yếu học tập như giày dép, sách vở, đồng phục theo quý. Đặc biệt, cán bộ chiến sĩ của đồn còn thường xuyên ghé nhà thăm hỏi động viên, dạy bảo 2 con giúp chị Cậy. Có sự động viên tinh thần ấy, 2 đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, học tốt hơn và chúng cũng đã coi các chiến sĩ như người cha thứ 2.

Gia đình chị Trần Thị Cậy (Kim Sơn, Ninh Bình) nhận được sự quan tâm thường xuyên của cán bộ chiên sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn. Ảnh: Đức Trí
Gia đình chị Trần Thị Cậy (Kim Sơn, Ninh Bình) nhận được sự quan tâm thường xuyên của cán bộ chiên sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn. Ảnh: Đức Trí

Điểm tựa cho học trò nghèo vùng biên

Thiếu tá Đặng Ngọc Phan, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kim Sơn cho biết: Năm nay đã bước sang năm thứ 4, cháu Phạm Văn Tường được Đồn hỗ trợ theo Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tới khi cháu kết thúc học THCS. Khi cháu tiếp tục vào THPT, đồn sẽ tiếp tục giúp đỡ theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Như vậy, sự tiếp sức của Đồn sẽ còn diễn ra 7 năm nữa.

Chị Trần Thị Cậy bày tỏ: "Sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Kim Sơn thực sự là nguồn động viên tinh thần, vật chất lớn đối với cháu Trường nói riêng và gia đình nói chung. Tôi ngày càng lớn tuổi, sức khỏe yếu hơn, một mình nuôi hai con trong hoàn cảnh khó khăn, công việc bấp bênh, ngày đi làm ngày nghỉ ốm… Nếu không có sự hỗ trợ này 2 con tôi rất có thể phải nghỉ học sớm để lao động cùng mẹ."

Được biết, cháu Phạm Văn Trường hiện đang học lớp 6, Trường THCS Kim Chung (Kim Sơn, Ninh Bình) và là 1 trong số 3 “con nuôi” của những chiến sĩ đồn Biên phòng Kim Sơn. Cháu và có sức học tốt với kết quả từ lớp 1 đến lớp 5 đều đạt học sinh giỏi.

Không những thế, hàng ngày sau giờ học, Trường đã có thể thay mẹ cơm nước, chăm em, dạy em học bài. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn thể hiện nghị lực vượt khó, mong ước được học đại học và trở thành người lính Biên phòng như các “bố nuôi”.

“Con cảm ơn và biết ơn các chú bộ đội. Con mong muốn sẽ được các chú giúp đỡ để có điều kiện tới trường như các bạn. Con hứa học tập tốt để thực hiện mơ ước vào Đại học, ra trường có việc làm, phụ giúp mẹ, trở thành người có ích cho xã hội…”, Trường chia sẻ.

Căn nhà đơn sơ của 3 mẹ con cháu Phạm Văn Trường đang sinh sống. Ảnh: Đức Trí
Căn nhà đơn sơ của 3 mẹ con cháu Phạm Văn Trường đang sinh sống. Ảnh: Đức Trí

“Triển khai chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” là một trong số những nhiệm vụ chính trị của những người lính Biên phòng nói chung. Được chứng kiến những đứa “con nuôi” học tập tiến bộ, ngoan ngoãn, trưởng thành…, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để yên tâm công tác, hỗ trợ tích cực hơn nữa những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới…”, Thiếu tá Đặng Ngọc Phan trao đổi.

Đồn Biên phòng Kim Sơn (Bộ Chỉ Huy BĐBP tỉnh Ninh Bình) được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới 18,5km bờ biển và khu vực bãi bờ ven biển Cồn Nổi và 3 xã, 1 thị trấn. Đời sống bà con nhân dân chủ yếu nuôi trồng thủy hải sản, làm nông nghiệp. Những năm gần đây đời sống chung đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Từ việc triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” trên địa bàn Đồn Biên phòng Kim Sơn quản lý đã hỗ trợ được nhiều học sinh tiếp tục vững bước trên con đường tới trường, nhiều em đã gặt hái thành tích học tập đáng tự hào, nhiều em có tương lai tươi sáng hơn…

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.