Còn nhiều khoảng trống trong xử lý các vụ việc bạo lực tình dục

GD&TĐ - Các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng và chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ, đặc biệt như các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc, bạo lực tình dục giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới phát biểu tại hội thảo
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục-Tiếng nói người trong cuộc”, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết:

Bạo lực tình dục (BLTD) và sự sợ hãi bị bạo lực xảy ra ở mọi loại hình nơi làm việc và với hầu hết những người lao động tình dục. Đường phố là nơi làm việc mà người bán dâm dễ bị bạo lực nhất và phụ nữ là nhóm dễ có khả năng bị bạo lực nhất. Điều đáng nói, hầu hết nạn nhân BLTD thường im lặng chịu đựng. Những người bị xâm hại không thể chia sẻ với ai, ngay cả người trong gia đình.

Nguyên nhân chính của sự im lặng ấy là do họ không nhận được sự chia sẻ từ chính người thân trong gia đình và cả cộng đồng. Theo đó, sự phân biệt đối xử, định kiến giới là những rào cản chính đối với bình đẳng giới và hành trình chấm dứt bạo lực nói chung và bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Mặt khác, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới vẫn còn phổ biến. Nhiều phụ nữ chấp nhận bạo lực.

“Một thực tế là mặc dù cưỡng ép tình dục giữa vợ và chồng là bất hợp pháp, nhưng chưa có ghi nhận nào cho thấy những trường hợp như vậy bị điều tra hoặc truy tố. Cảnh sát thường không xem vợ là nạn nhân trong các vụ hiếp dâm trong gia đình” – bà Vân Anh nói.

Đại biểu hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.
 Đại biểu hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định, Việt Nam có những thay đổi tích cực và dần hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Việc triển khai các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới như Đề án Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020 đã thể hiện những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền phụ nữ, giải quyết các biểu hiện của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn.

Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, nhiều vụ việc bạo hành tình dục buộc khép lại vì hồ sơ không đủ chứng cứ.

“Những vụ việc này thường ít nhân chứng, công cụ phạm tội ít, thủ đoạn đơn giản… nên công tác thu thập chứng cứ rất khó khăn. Người yếu thế không biết thu thập chứng cứ còn pháp luật thiếu hẳn quy định các chứng cứ về hậu quả tâm lý.

Các khái niệm cơ bản như “giao cấu”, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa rõ ràng là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật liên quan. Bộ luật Hình sự quy định về các hành vi bạo lực nghiêm trọng (hiếp dâm, khiêu dâm, dâm ô) còn hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục khác vẫn chưa được quy định” – Luật sư Luân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...