Trao đổi về các khoảng trông pháp lý trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tình dục. Ảnh Nhật Thy. |
Tại Việt Nam, kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTB&XH và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
Một nghiên cứu ở TPHCM và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiễm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân.
Tại Tọa đàm “Bạo lực tình dục (BLTD) đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” do Bộ LĐTB&XH với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 5/12 , các đại biểu đã thảo luận về một số giải pháp để giải quyết vấn đề BLTD.
Trong đó, đầu tiên cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân của BLTD.
Để đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp một cách hiệu quả, cần thiết phải có sự tiếp cận đa ngành, phối hợp tốt để giảm thiểu các tác động có hại và ngăn ngừa các tổn thương và thiệt hại không đáng có.
Thứ hai, phải thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là BLTD, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để đảm bảo phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng.
Hầu hết nam giới là những người ra quyết định trong xã hội và trong gia đình, vì vậy nam giới sẽ là tác nhân để thay đổi và ngăn chặn bạo lực giới. Các mô hình vai trò nam giới tích cực cần phải được xác định và khuyến khích để ủng hộ cho sự thay đổi xã hội.
Thứ ba, cần phải có số liệu thống kê quốc gia toàn diện về BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi môi trường. Hiện nay, UNFPA đã phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê để cập nhật các số liệu cũng như mở rộng phạm vi khảo sát quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới lần 2.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia này sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Cuối cùng, cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật cũng là việc rất quan trọng để đảm bảo công lý được thực thi với các trường hợp BLTD.