“Quái vật” đại dương

GD&TĐ - Cùng với động đất, sóng thần..., bão luôn được xem là một thảm họa thiên nhiên với sự tàn phá kinh hoàng. Mỗi năm, con người phải đón nhận từ 40- 50 cơn bão đổ bộ từ các đại dương vào đất liền.

“Quái vật” đại dương

Chính vì thế, hiểu biết về bão để có biện pháp dự báo, phòng ngừa sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều thiệt hại đáng tiếc về người và của.

Bão là gì?

Trên góc độ khí tượng học, bão biển được định nghĩa và quy định qua các cơ quan khí tượng quốc tế, phân biệt và gọi tên như: Cyclone, Hurricane, Typhoon, tùy thuộc vào nơi hình thành và cấu tạo của nó.

“Hurricane” là tên gọi chung cho những con lốc biển vùng Đại Tây Dương và đông bắc Thái Bình Dương và Typhoon là những cơn bão nhiệt đới xảy ra ở vùng Tây-Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Dù có tên gọi khác nhau thì bão vẫn là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất, thường trực đe dọa cuộc sống của con người.

Mùa bão và các cấp độ bão

Ở Bắc bán cầu, mùa bão bắt đầu từ tháng 6- 11, trong khi Nam bán cầu, mùa bão bắt đầu từ tháng 1-3. Phần lớn những cơn bão hình thành trong ba vùng lớn trên trái đất: tây bắc Thái Bình Dương, nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Đại Tây Dương và vịnh Mexico.

Riêng ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bão thường hình thành và hoạt động từ tháng 6- 10.

Mỗi cơn bão rất khác nhau về kích thước vật lý. Một số cơn bão rất nhỏ chỉ có vài dải gió và mưa. Nhưng cũng có những cơn bão khác rộng hơn với hàng trăm hoặc hàng ngàn dặm.

Các cấp độ của bão được chia ra làm nhiều loại tùy theo mỗi nước nhưng cơ bản được chia ra làm ba cấp độ như sau: - Áp thấp nhiệt đới: tốc độ gió nhỏ hơn 61 km/giờ.- Bão nhiệt đới: tốc độ gió của 62-118 km/giờ.- Siêu bão: tốc độ gió lớn hơn 119 km/giờ.

Bão hình thành và hoạt động như thế nào?

Theo các nhà nghiên cứu, bão chỉ hình thành ở khu vực đại dương nhiệt đới ấm áp, nơi nhiệt độ nước ít nhất là 26 độ C. Chính không khí ấm áp, ẩm và gió hội tụ gần xích đạo là “nhiên liệu” để bão hoạt động.

Một cơn bão hình thành bao giờ cũng xuất hiện những cơn mưa dông và những trận gió lốc rất mạnh do sự chênh lệch áp suất không khí giữa áp cao lạnh giữa những đám mây mưa và bầu không khí nóng xung quanh.

Và khi hai cơn mưa dông gặp nhau những luồng gió khí luân chuyển lên xuống không ngừng làm khí lạnh bị đẩy xuống thấp và khí nóng bị đẩy lên cao. Nước càng nóng, quy trình này càng nhanh và gió tăng tốc.

Khi đó, ở tầng trên của lớp đối lưu, luồng khí ẩm ướt này toả ra và bắt đầu xoay theo quán tính hình thành từ chiều quay của trái đất, ở Bắc bán cầu là chiều ngược lại của kim đồng hồ, còn ở Nam bán cầu là cùng chiều với kim đồng hồ. Khi lực xoay đủ lớn thì một cơn bão sẽ hình thành.

Bão không phải là một sinh vật sống, nhưng nó cần được cung cấp khí ấm. Và nếu một khi nhiễu động nhiệt đới tìm đủ nguồn "thức ăn" này và gặp những điều kiện thuận lợi về gió và áp suất, chúng ta sẽ thấy một con quái vật trên biển cả. Quá trình để một nhiễu động nhiệt đới phát triển thành bão có thể mất chỉ vài tiếng đồng hồ cho tới vài ngày.

Tuy nhiên cơn bão cũng có thể nhanh chóng suy yếu nếu không tìm được nhiệt ẩm để gia tăng sức mạnh. Khi một cơn bão di chuyển vào vùng nước lạnh ở một vĩ độ cao hơn, áp lực sẽ giảm đi, sức gió cũng suy giảm.

Bên cạnh đó khi đổ bộ, sự ngưng tụ và bốc hơi yếu đi, và kết hợp với ma sát ở mặt đất cũng khiến bão suy giảm sức mạnh nhanh chóng thành một vùng áp thấp nhiệt đới và có thể biến mất sau đó một vài ngày.

Theo Howstuffworks

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.