“Cơn mưa vàng” Olympic quốc tế 2017

GD&TĐ - Năm 2017, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. tổng số 31 huy chương trong đó có 14 HCV, 13 HCB, 4 HCĐ. 

“Cơn mưa vàng” Olympic quốc tế 2017

“Niềm đam mê mãnh liệt với các môn học mà mình theo đuổi”, đó là bí quyết thành công mà các “chàng trai vàng”, “cô gái vàng” chia sẻ khi nói về thành tích học tập của mình.

Thành công đến từ niềm đam mê các môn học

Nhớ về hành trình chinh phục HCV Olympic Toán học quốc tế 2017, Hoàng Hữu Quốc Huy - học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết: Em thích toán từ nhỏ. Vì đam mê môn học này nên em đã cố gắng thật nhiều để thi vào trường chuyên Lê Quý Đôn để có điều kiện học Toán tốt hơn.

Đến những năm cấp 3, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, Huy mới bộc lộ rõ năng khiếu của mình. Em không rõ mình thích Toán từ bao giờ, nhưng cảm giác giải được một bài toán khó rất phấn khích. Sự hưng phấn đó cứ đưa đi từ bài toán này đến bài toán khác rồi trở thành niềm đam mê từ lúc nào không hay.

Còn với Nguyễn Thế Quỳnh- học sinh trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, (Quảng Bình)- người hai năm liên tiếp đoạt HCV tại kỳ thi Olympic môn Vật lý quốc tế - thì niềm đam mê với Vật lý đã bén duyên từ năm cấp 2, khi được học sâu vào các môn khoa học tự nhiên.

Quỳnh chia sẻ: Khi được học sâu vào các môn tự nhiên, em nhận thấy mình có niềm đam mê mãnh liệt với môn Vật lý. Nhất là sau khi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, được học chuyên sâu, em không dứt ra được. Nếu nghiên cứu không ra hay vẫn không hiểu, em có thể trao đổi với bạn bè, thầy cô. Nhờ đó, em nhanh chóng nắm bắt được vấn đề và không cảm thấy quá khó khăn khi học.

Hai năm liên tiếp đạt HCV Olympic Hóa học, Đinh Quang Hiếu - học sinh trường THPT chuyên KHTN (ĐHQGHN) chia sẻ về tình yêu đối với môn học: Ngay từ hồi học cấp 2, em đều chăm chú theo dõi từng phản ứng hóa học trên các vật dụng, mẫu thực hành. Khi các thí nghiệm thành công, em đều reo lên vui mừng.

Hiếu luôn có một cuốn sổ ghi lại những công thức, lý thuyết, bài thực hành khó nhớ.

Trước mỗi bài tập, Hiếu thường lọc các ý tưởng giải quyết và viết ra từ đó chọn được hướng đi chắc ăn nhất. Đặc biệt, Hiếu hay tìm tòi các trang báo khoa học nước ngoài để tìm hiểu thêm thông tin chuyên sâu về Hóa học phục vụ học tập và đam mê khám phá.

Còn Nguyễn Phương Thảo - nữ sinh duy nhất đạt huy chương của các đội tuyển Olympic năm nay, cho biết, tình yêu Sinh học đến với em khi xem các chương trình thế giới động vật trên truyền hình, thấy rất nhiều bí ẩn trong tự nhiên. Từ đó, em quyết định theo đuổi môn Sinh học để giải đáp những bí ẩn đó.

Thảo nhận định Sinh học có sự tích hợp liên môn với những đặc thù riêng mà nếu không đủ đam mê rất khó chinh phục. Nhìn bề ngoài, Sinh học khô khan với những mảng kiến thức rời rạc, nhưng thực tế lại liên kết chặt chẽ. Thảo thường học bằng cách sơ đồ hóa, hình ảnh hóa mọi thứ để thấy được mối quan hệ giữa các phần kiến thức, từ đó rút ra chi tiết cô đọng nhất.

Vươn tới những mục tiêu cao cả và rộng lớn hơn

Lý giải về thành tích tốt nhất trong lịch sử, về “cơn mưa huy chương vàng” của các đội tuyển Olympic quốc tế năm nay, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng yếu tố quan trọng mang đến thành tích này là bởi chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên. Trên nền tảng đó, giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư có hiệu quả.

Bên cạnh đó là tác động tích cực từ việc dạy học ngoại ngữ những năm qua đã được cải thiện rõ. Việc triển khai dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được triển khai nhiều năm qua đã giúp học sinh có đủ khả năng về ngoại ngữ và tiếp cận với các tài liệu nước ngoài.

Nội dung giáo dục cập nhật với trình độ giáo dục thế giới hơn, thiết bị thí nghiệm của các trường chuyên những năm qua được tăng cường, giúp cho học sinh có điều kiện thực hành thí nghiệm thường xuyên, từ đó có kỹ năng thực hành tốt. Đặc biệt, những thí sinh mang về thành tích cao không chỉ ở các thành phố lớn mà lan rộng đến các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các em được đào tạo ở nước ngoài với các chuyên ngành phù hợp với năng lực của các em cũng như nhu cầu của đất nước.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nội dung về đầu tư cho công tác đào tạo, sử dụng những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Với kế hoạch này, các em đã đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic quốc tế sẽ có thêm cơ hội để được đào tạo đại học, sau đại học ở các nước phát triển, giúp các em phát huy năng lực, trí tuệ để phục vụ đất nước trong tương lai.

Việc học sinh Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong lịch sử các lần dự thi Olympic quốc tế là sự tiếp nối kết quả dự thi thể hiện năng lực và nỗ lực vượt bậc của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Đây cũng là minh chứng để khẳng định tuổi trẻ Việt Nam có đầy đủ năng lực, hoài bão để có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu; góp phần hun đúc ngọn lửa đam mê, giúp các em tiếp tục học tập, rèn luyện để mang tài năng và sức lực của mình cống hiến cho quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ