“Đứa trẻ to xác” vì tuổi thơ nhàn hạ
Sinh ra trong một gia đình khá giả, Hoàng Phúc (25 tuổi, Thái Bình) không phải động tay chân đến công việc gì trong nhà. Cậu có 2 chị gái, cùng với quan niệm, con trai không cần biết làm việc nhà nên cậu chỉ học, chơi và ra yêu cầu với bố mẹ.
Muốn ăn món gì cũng có, muốn mặc cái gì cũng được đáp ứng, mọi việc đều có bố mẹ lo liệu giúp nên đến bây giờ cậu chàng vẫn chưa biết tự nấu bát mì để ăn khi cả nhà đi vắng.
Mọi người gọi Phúc là “đứa trẻ to xác” nhưng cả cậu và bố mẹ đều không mấy quan tâm. Bản thân cậu thấy cha mẹ cũng không yêu cầu mình tham gia công việc nên nhởn nhơ, dần dần trở nên lười biếng và quen với việc được phục vụ.
Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi Phúc bước qua tuổi 20 thì bố lâm bệnh nặng. Người thân của Phúc “ngấm đòn” khi cậu thể hiện nguyên bản “một đứa trẻ to xác”. Cậu không thể hiện trách nhiệm cho tương lai của mình cũng như những người thân. Thậm chí, không cả hoài bão ước mơ.
Theo ThS Đào Thuý Nga – Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Cá Siêu Quậy, ngừng hầu hạ, giúp đỡ con sớm bao nhiêu thì cha mẹ sẽ nhàn hạ bấy nhiêu.
Chính sự buông tay của cha mẹ là cơ hội để trẻ học hỏi, khám phá và tích lũy kiến thức bổ ích cho bản thân. Sự bao bọc quá mức của bố mẹ vô tình làm hại con và điều này sẽ khiến sự thương con không phải lối của phụ huynh tác dụng ngược, biến chúng thành những người trưởng thành vô dụng.
Với đặc tính lứa tuổi, con bạn có thể sẽ không thích nấu ăn, dọn bàn hay lau bụi phòng khách. Nhưng thực hiện các việc vặt sẽ là yếu tố quan trọng trong việc giúp con hình thành kỹ năng và thái độ sống tích cực và đạt được hạnh phúc lâu dài.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc cha mẹ cho trẻ bắt đầu làm việc vặt ở tuổi 3 và 4 là yếu tố dự báo lớn nhất cho thành công về sau.
“Những đứa trẻ biết làm việc nhà sẽ giúp chúng cảm thấy gắn kết hơn với gia đình. Và cảm giác kết nối đó có thể giúp họ duy trì tinh thần mạnh mẽ khi gặp phải thời điểm khó khăn. Trẻ sẽ hình thành được thói quen sống có trách nhiệm và tôn trọng sức lao động của người khác.
Tự dọn dẹp giường ngủ hay nhà bếp cũng có thể mang lại cho con cảm giác phấn khởi khi hoàn thành một công việc và cho chúng thấy rằng, dù còn nhỏ nhưng sức lao động có khả năng tạo ra sự khác biệt”, ThS Đào Thuý Nga nhấn mạnh.
Đừng ngại làm “cha mẹ lười”
Bị yêu cầu làm nhiều việc nhà, chắc hẳn bố mẹ không thể “được lòng” lũ trẻ. Bởi chúng sẽ nghĩ rằng, bố mẹ không thương mình nên mới bắt mình làm đủ thứ việc. Chúng cần vui chơi, xem tivi, đọc sách hay lý do chính đáng hơn là học bài. Bọn trẻ cũng sẽ nhìn xem nhà khác, bạn bè cùng trang lứa có làm các việc như bố mẹ mình yêu cầu hay không…
Tuy nhiên, đó chỉ là lý luận của bọn trẻ và các bậc cha mẹ đừng vì thế mà không cho con vào “lò luyện”. Nói là vậy, còn việc dạy con trẻ ý thức và tham gia công việc chung trong nhà không khó khi bố mẹ sử dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”.
Chị Minh Phương (Long Biên, Hà Nội) có 3 con, theo dõi sự phát triển kỹ năng và thể chất của các con chị nhận thấy bé út nổi trội hơn cả. Kinh nghiệm cho thấy, khi chị thoải mái cho con trải nghiệm việc ăn uống, tham gia làm việc vặt từ khi còn rất nhỏ giúp con phát triển mạnh mẽ cả về tư duy và vận động.
Mới vừa tròn 3 tuổi nhưng con gái út của chị đã biết tự mặc quần áo, đi tất, dọn đồ chơi, lau bàn ghế và cất dọn quần áo của mình đúng chỗ.
Nhìn lại quá trình, chị Phương Anh nhận thấy, quả không sai khi nói: Một bà mẹ điểm 10 thì con chỉ được điểm 5 nhưng con bạn sẽ đạt điểm 10 khi bạn không hoàn hảo.
“Tôi cứ lười 1 chút là con lại có thêm được kỹ năng và dần dần kỹ năng đó trở thành ý thức, lớn hơn chút con sẽ thấy trách nhiệm và niềm vui san sẻ trong những việc mình làm. Vì thế, tôi thấy mình nhàn tênh mặc dù con còn rất nhỏ”, chị Phương Anh cho hay.
Khi chỉ định công việc thường xuyên và mong đợi con hoàn thành chúng là cha mẹ đã giúp con học các kỹ năng sống, trau dồi thái độ sống để giúp chúng có cuộc sống hạnh phúc hơn khi trưởng thành.
ThS Đặng Thị Ngọc Thu – người sáng lập Dự án “Yêu thương cho con” chia sẻ: Để bọn trẻ không coi cha mẹ là người giúp việc, mấu chốt vẫn là tư tưởng cha mẹ. Khi mình đã hiểu vai trò của mình là người dẫn hướng (chứ không phải là người lôi kéo hay thúc đẩy con), là người đồng hành hỗ trợ (thay vì gánh hết trách nhiệm rồi mệt quá lại trút lên đầu con)... thì cha mẹ sẽ tự biết cách để con không cần osin nào cả.
Kinh nghiệm của ThS Đặng Thị Ngọc Thu là: Cho phép con làm nhiều thứ con thích (chế biến đồ ăn theo kiểu của con; dọn nhà theo cách của con...); Thường xuyên nói chuyện với con về ý nghĩa của làm việc nhà đối với chính các con và đối với gia đình;
Cùng với đó, cha mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi nhiều hơn dù cơm chưa dẻo, canh chưa ngọt... với những câu thần chú: Con làm được, con tự lo được, con cứ cố gắng hết sức.