Cơn khát vắc-xin toàn cầu

GD&TĐ - Diễn biến các đợt dịch Covid-19 sau luôn dữ dội hơn các đợt trước và thực tế chứng minh giá trị của chiến dịch tiêm chủng, đẩy các nước “chậm chân” vào cuộc đua tìm mua vắc-xin ráo riết chưa từng có.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi vắc-xin là thứ vũ khí hữu hiệu duy nhất có thể giúp vượt qua đại dịch thì quốc gia nào làm chủ công nghệ hoặc đặt mua sớm vắc-xin sẽ có đặc quyền vượt trội so với phần còn lại của thế giới.

Nhờ lượng vắc-xin dồi dào từ các nhà sản xuất trong nước như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, nước Mỹ đã từ một ổ dịch lớn nhất thế giới đang dần trở lại bình thường khi hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đã được nối lại.

Tính đến đầu tháng 6/2021 đã có hơn 50% dân số Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19. Giải quyết xong nhu cầu trong nước, giờ đây nước Mỹ đang bắt đầu tính toán sử dụng sinh phẩm được cả thế giới khát khao này như một công cụ để vừa phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu, qua đó củng cố vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cam kết sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca và 20 triệu liều từ các nhà sản xuất Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cho thế giới chống dịch.

Theo đại diện của tổ chức cứu trợ USAID Samanthe Power, 75% số vắc-xin này sẽ được phân phối thông qua chương trình vắc-xin toàn cầu COVAX và 25% còn lại dành cho các mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, nhu cầu về vắc-xin trên thế giới hiện lớn gấp hàng trăm lần so với số lượng vắc-xin mà Mỹ có thể chia sẻ. Do đó, các nước muốn chống dịch không thể nào dựa vào nguồn chia sẻ ít ỏi này mà phải tìm mọi cách mua từ các nhà sản xuất.

Nhưng khi nhu cầu quá cao và nguồn cung hạn chế thì đây thực sự là một nhiệm vụ vô cùng thách thức, khi tiền cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Trong khi đó, các nước đang có tỷ lệ tiêm chủng cao tiến dần đến mốc miễn dịch cộng đồng với Covid-19 hiện nay như Mỹ, Israel, Malta, Anh… chính là nhờ thành quả từ các bản hợp đồng mua vắc-xin trước (APA) với các nhà sản xuất, qua đó giành quyền được mua số lượng lớn ngay từ trước khi chúng được cấp phép sử dụng.

Chính quyết định “chốt đơn” sớm này đang giúp các nước tận dụng được lợi thế về thời gian, có vắc-xin tiêm cho người dân khi các nước khác còn đang vật vã đi tìm nguồn mua.

Một ví dụ điển hình cho các hợp đồng APA chính là nước Mỹ. Ngay từ tháng 8/2020, nước này đã chi 10 tỷ USD cho Pfizer, Moderna, AstraZeneca… khi các hãng còn đang nghiên cứu vắc-xin, để đảm bảo có ít nhất 700 triệu liều khi sản phẩm được đưa vào sử dụng.

Nước Anh cũng theo chân Mỹ đạt thỏa thuận mua sớm tới 250 triệu liều vắc-xin, cao gấp 4 lần so với nhu cầu cho 66 triệu dân, do thời điểm đó chưa thể chắc chắn vắc-xin nào sẽ hiệu quả.

Câu chuyện vắc-xin tại Israel cũng tương tự như tại Mỹ và Anh đều theo chiến lược “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Tuy nhiên, trên thế giới không phải nước nào cũng có tiềm lực tài chính và cơ chế cho phép đặt cược với rủi ro một cách linh hoạt như Mỹ, Anh hay Israel. Đó chính là lý do giờ đây các nước phải lao vào cuộc chiến giành mua vắc-xin trong bối cảnh các sinh phẩm này đã được chứng minh và hàng trăm nước cùng có nhu cầu mua.

Trong trường hợp không thể “chốt đơn” sớm mua vắc-xin hay sử dụng các loại vắc-xin tự sản xuất như Nga và Trung Quốc, các quốc gia không còn cách nào khác phải duy trì các biện pháp phòng chống dịch như trước đây, để chờ mua đủ số lượng vắc-xin cần thiết đạt miễn dịch cộng đồng, con đường duy nhất hiện nay giúp thoát khỏi đại dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ