Ngân hàng Thế giới chi 12 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia đang phát triển mua vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Vào ngày 17/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tài trợ trị giá 12 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển mua và phân phối vắc-xin, hỗ trợ xét nghiệm và điều trị Covid-19 cho người dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khoản tiền này nhằm hỗ trợ tiêm chủng cho 1 tỷ người, là một phần của gói hỗ trợ trí gia lên đến 160 tỷ USD của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), có hiệu lực đến hết tháng 6/2021 để giúp các nước đang phát triển chống lại đại dịch Covid-19.

Gói tài trợ cũng đưa ra tín hiệu cho ngành nghiên cứu và dược phẩm rằng người dân ở những quốc gia đang phát triển cũng cần được tiếp cận với vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả. Nó cũng sẽ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để các nước đang phát triển có thể chuẩn bị cho việc triển khai vắc xin trên quy mô lớn với sự phối hợp của các đối tác quốc tế.

Chủ tịch WBG David Malpass cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng các phương pháp tiếp cận nhanh nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp Covid-19 để các nước đang phát triển có thể tiếp cận với vắc-xin một cách công bằng và bình đẳng. Tiếp cận với vắc-xin an toàn, hiệu quả và củng cố hệ thống phân phối được coi là chìa khóa để thay đổi diễn biến của đại dịch, giúp các quốc gia đang trải qua các tác động kinh tế, tài chính phục hồi.”

Các nước đang phát triển sẽ mua và cung cấp vắc xin đã được phê duyệt bằng những cách khác nhau.

Ngoài việc mua vắc-xin, khoản tài trợ của WBG cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia tiếp cận với các xét nghiệm và điều trị Covid-19, đồng thời mở rộng năng lực tiêm chủng để giúp các hệ thống y tế triển khai vắc-xin một cách hiệu quả.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - chi nhánh khu vực tư nhân của WBG cũng đang đầu tư vào các nhà sản xuất vắc-xin thông qua Nền tảng Y tế Toàn cầu trị giá 4 tỷ USD với mục đích khuyến khích tăng cường sản xuất vắc-xin Covid-19 và phương pháp điều trị ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển và đảm bảo rằng các thị trường mới nổi được tiếp cận với liều lượng sẵn có.

Theo World Bank

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ