(GD&TĐ) - Con hư, đừng đổ lỗi cho nhà trường hay những tác động từ bên ngoài. Môi trường gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Bận bịu - chiều chuộng - hư hỏng
Anh Mạnh, một giám đốc công ty chỉ có T là cậu con trai duy nhất. Trong công ty gia đình, vợ anh - chị Thu - vừa trực tiếp trông coi một cơ sở, vừa lo luôn phần tài chính cho công ty. Hai vợ chồng gần như không có thời gian rảnh rỗi. Khi còn nhỏ, cậu bé T rất ngoan, học hành chăm chỉ. Chuyện chỉ tồi tệ đi khi T bắt đầu vào lớp 10. Có đủ mọi thứ mình cần bởi “muốn gì được nấy”, lại kết bạn với những học sinh hư hỏng cùng lớp, cậu bé này nhanh chóng dính vào game, đua xe, đánh lộn, hút bồ đà, yêu sớm…
Khi liên tục nhận được những thông tin xấu về con mình từ nhà trường và công an, vợ chồng anh Mạnh mới giật mình và quyết định dành thời gian để uốn nắn con trai. Theo lời khuyên của một đối tác làm ăn vốn có “kinh nghiệm” về chuyện con hư, anh Mạnh thu xếp tổ chức một chuyến đi Vũng Tàu nghỉ ngơi cuối tuần nhưng chỉ độc hai cha con. Suốt cả ngày Chủ nhật ở Vũng Tàu, anh theo sát T như hình với bóng, kể cả những lúc cậu ta vào nhà vệ sinh. Một ngày trôi qua mà không thấy con mình có biểu hiện thèm thuốc, anh Mạnh vui mừng vì dù sao điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với quý tử của mình.
Cô đơn bên người thân
Chị Thùy, con cô Bình, sinh Duy khi mới 18 tuổi. Hôn nhân không hạnh phúc khiến chị buồn chán, bỏ mặc con cho mẹ chăm sóc và lao vào những cuộc tình chóng vánh. Lâu lâu chợt nhớ ra mình có một đứa con, chị mới ôm hôn, nựng nịu hoặc mua cho Duy tấm bánh, ít quà. Cô Bình tuy rất thương cháu nhưng là chủ một cơ sở chế biến mực tẩm nên rất bận rộn, thời gian dành cho cháu cũng không nhiều. Việc ăn uống, tắm rửa của Duy được giao cho người phụ việc tin cẩn, chuyện học hành đã có gia sư.
Ảnh mang tính minh họa/ Internet |
Đi học về, Duy lủi thủi chơi một mình hoặc lang thang chơi trong xóm. Càng lớn, Duy càng thích lấy hè đường làm nhà, bạn bè làm người thân. Thấy cháu như vậy, cô Bình đâm lo, nhắc nhở chị Thùy để mắt đến con. Sau vài năm ly hôn với cha Duy, chị Thùy lấy chồng khác, không sống chung với cô Bình và cũng không thể đem Duy theo về nhà chồng.
Thỉnh thoảng, chị về thăm hai bà cháu, dúi ít tiền cho con hoặc mắng sa sả vài câu khi nghe nói Duy làm điều gì đó sai quấy, rồi đi. Duy bây giờ dửng dưng khi thấy mẹ về, không buồn khi mẹ lại đi.
Năm Duy lên lớp 9, chị Thùy lại ly hôn vì không sinh được con cho người chồng thứ hai. Trở lại nhà mẹ sống, thấy Duy ương bướng, ăn mặc kỳ dị, chị Thùy cố gắng gần gũi tìm hiểu, dạy dỗ nhưng dường như đã quá muộn! Duy không thích trò chuyện cùng mẹ, trơ trơ mỗi khi bị mẹ rầy la. Rồi Duy thi rớt lớp 10, nhất quyết không chịu học và thi nữa, suốt ngày lang thang tiệm net, bida.
Sợ con hư, chị cho con học nghề nhưng chẳng có nghề nào ra hồn vì Duy mau chán. Duy đề nghị mẹ mở tiệm net kinh doanh, chị Thùy đồng ý, hy vọng Duy sẽ bớt ham chơi, chăm chỉ làm ăn. Có tiệm do mình làm chủ, Duy mặc sức chơi game và cho bạn bè chơi miễn phí. Giận quá, chị Thùy kêu người sang tiệm.
18 tuổi, không học, không nghề, không ai quản nổi, Duy mặc sức rong chơi với đám bạn hư. Khi cô Bình và chị Thùy phát hiện thì Duy đã là con nghiện.
Bố mẹ đánh nhau con thành đầu gấu
Lê Như Huỳnh, một học sinh lớp 7 (Hà Nội) cũng là nỗi kinh hoàng của nhiều bạn cùng trang lứa và với cả các học sinh khóa trên. “Dưới trướng” của Huỳnh có đến 5 đàn em cùng khối và “tuân lệnh” Huỳnh răm rắp.
Em Dung, một học sinh cùng lớp với Huỳnh, thổ lộ: “Bọn con trai, con gái lớp em đều sợ Huỳnh lắm. Trong lớp, bạn ấy không đánh con gái nhưng thường đập bàn, đập ghế mỗi khi không ưng ý hoặc lấy kéo cắt tóc của tụi em, xé cặp, vở... nếu tụi em không cho nhìn bài khi kiểm tra hoặc xì xầm to nhỏ về bạn ấy. Còn bọn con trai thì chỉ cần làm bạn ấy phật ý là bị đánh liền; nhẹ thì đánh vài cái, còn không, ra cổng là bị đòn và dọa: “Tao chặt chân có ngày...”.
Sau nhiều lần bị phụ huynh “tố”, hội trưởng hội cha mẹ học sinh đã đến nhà để “báo cáo sự việc”. Huỳnh có anh trai và là con út của một gia đình có cửa hàng lớn. Ba mẹ Huỳnh thường xuyên “choảng nhau” mỗi lần ba đi nhậu về say.
Chị Khánh, chi hội trưởng phụ huynh của lớp nói: “Chiều đó, tôi đến thì thấy chị vợ bán hàng tạp hóa ở nhà, ra sức chì chiết con, nói với con nhưng cứ chửi “Đ.má mày, mày không làm hả, y như thằng cha mày lại ì ra đấy... Mày mà cứ long nhong, tao chặt chân mày đó”.
Hàng xóm của em Huỳnh kể: “Nhà đó, cha mẹ con cái chửi nhau như cơm bữa. Vợ chồng mà tức nhau thì ném hết đồ đạc trong nhà rồi vơ được cái gì thì đánh nhau bằng cái đó. Có hôm, tôi thấy chị vợ bị thâm tím hết cả một bên mặt...”.
Nhìn cảnh đó, chị Hạnh, hàng xóm, nói: “Bố mẹ thế nên con cũng học theo, làm đầu gấu, cả tổ, cả phường này đều khiếp”.
Đừng đổ mọi lý do cho trẻ khi trẻ hư, mỗi ông bố, bà mẹ hãy nghiêm túc nhìn lại chính mình, quan trọng là thẳng thắn chịu trách nhiệm, khéo léo cư xử với vợ (chồng), con, là tấm gương, chỗ dựa và tạo niềm tin cho trẻ. Sẽ không là quá muộn, nếu cha mẹ phát hiện sớm biểu hiện lệch lạc của con và uốn nắn kịp thời.
Thủy Linh