Công trình “Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25” của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Lai tạo giống lúa thơm đặc sản
Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016” của KS. Hồ Quang Cua và 2 đồng tác giả Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương là một trong 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6.
Năm 1978, tốt nghiệp kỹ sư ngành Trồng trọt, Đại học Nông nghiệp I, kỹ sư Hồ Quang Cua trở về Sóc Trăng và công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.
Từ năm 1991, ông tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, ông đã có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.
Năm 1996, trong một lần xuống đồng, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Vốn là người mê cây lúa, đang ôm ấp ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng và là người có tư duy nhạy bén, khi thấy những cây lúa “không giống ai” đó, ông như người trúng số đặc biệt.
Từ sự tình cờ, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
Từ sự tình cờ đó, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
“Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học. Việc lai tạo giống tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Nếu lấy mốc tận mục sở thị 2 giống lúa thơm mới ở Bangkok ngày 1/5/1998 thì đã hơn 20 năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm”, KS Hồ Quang Cua kể.
Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018.
Vào năm 2019, tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World's Best Rice do The Rice Trader), gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019.
Ông Hồ Quang Cua giới thiệu sản phẩm gạo ST24, ST25. |
Giống gạo ngon giúp tăng thu nhập cho người dân
Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, những năm qua, thị trường có nhiều loại gạo ST nổi tiếng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Lần này gạo ST 25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” đã cho thấy đây là quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của kỹ sư Cua và các cộng sự.
Thành quả này đóng góp rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo của Sóc Trăng và gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Sóc Trăng đã và đang có nhiều dự án phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, tập trung vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Năm 2019, Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách hai giống lúa này. Đây là một trong số rất ít các công trình thành công ở Việt Nam về việc sử dụng nhiều dòng bố, mẹ để lai hữu tính theo phương pháp lai nhiều bậc nhằm tích lũy đặc điểm nông sinh học tốt riêng lẻ và con lai.
Thành tựu của KS Hồ Quang Cua và nhóm là thành tích nổi trội trong chọn lọc, đánh giá, khảo nghiệm, phát triển sản xuất và công nhận một giống thuần, đặc biệt giống này được chọn lọc từ quần thể lai 6 dòng bố, mẹ (thông thường khoảng 10 – 12 năm). Lúa ST24 và ST25 thời gian sinh trưởng ngắn, nhiễm nhẹ sâu bệnh, chống đổ ngã tốt nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm gạo an toàn, không ô nhiễm môi trường.
Bà Trịnh Kim Tuyến (vợ của kỹ sư Hồ Quang Cua) cho biết, sau khi được công nhận là giống lúa/gạo ngon nhất thế giới, ST25 đã tạo sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong nước, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán này, hầu như ngày nào bà cũng nhận hàng trăm cuộc điện thoại đặt hàng gạo ST25 nhưng không thể nào đáp ứng kịp thời. Đa số các đơn vị, doanh nghiệp mua với số lượng nhiều để làm quà Tết.
Gạo ST25 (cùng các loại gạo mang thương hiệu ST) đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới.
Lúa thơm ST cũng đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục: Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%; năm 2018, tổng sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2019, sản lượng lúa cũng đạt trên 2 triệu tấn, lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn.
Với những đóng góp cho ngành Nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN&PTNT, đoạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.
Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.