“Gạo ngon nhất thế giới” chưa được bán rộng rãi

GD&TĐ - Sau khi ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”, nhiều người háo hức tìm mua. Những người trong cuộc cho biết, loại gạo này rất ít vì đang trồng thử nghiệm.

“Gạo ngon nhất thế giới” ST25 được Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đóng gói.
“Gạo ngon nhất thế giới” ST25 được Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đóng gói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 28/11, cô Bùi Thị Ngọc Thúy - Phụ trách giao dịch Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (do hai con trai của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua làm Giám đốc) cho biết: “Hiện tại gạo ST25 chỉ có Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí bán ra thị trường.

Loại gạo ST25 đã được công ty chính thức đóng gói với quy cách túi 5kg, có bao bì riêng kèm hình ảnh cúp “Gạo ngon nhất thế giới”. Còn giấy chứng nhận “Gạo ngon nhất thế giới”, Ban tổ chức cuộc thi sẽ gửi để công ty bổ sung sau”.

Cô Thúy cho biết thêm, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cung cấp rất ít gạo ST25 ra thị trường tỉnh Sóc Trăng, TP Cần Thơ và TPHCM. Nếu khách hàng mua lẻ gạo được rao là ST25 không đóng trong bao bì thì không phải là gạo ST25.

Giá gạo ST25 được bán giá sỉ tại Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Thị trấn Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là 22.000 đồng/kg. Dù đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” nhưng giá bán không tăng để giữ uy tín, chất lượng thương hiệu.

Anh Hồ Quang Trung - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí khẳng định:

“Hiện nay, gạo ST25 chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí bán ra thị trường, không có doanh nghiệp nào khác có loại gạo này. Giống lúa này đang được trồng thí nghiệm rồi thu hoạch, xay xát, sản lượng rất ít, chỉ bán ra để quảng bá sản phẩm”.

Thông tin gạo “nhái” ST25 trên thị trường hiện nay có thể do người bán hay các đại lý tự phong. Cũng có trường hợp các công ty mua giống lúa ST24 về trồng, sản xuất ra gạo ST24 nhưng khi đến tay người bán lẻ hoặc các cửa hàng gạo thì người ta tự gắn bảng gạo ST25 vào.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ vui mừng khi nghe tin gạo ST25 của Sóc Trăng đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”. “Kỹ sư Hồ Quang Cua đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu để đến ngày hôm nay đạt được thành quả này.

Đây là điều đáng trân trọng của một nhà khoa học nông nghiệp với ý chí xóa bỏ tư duy “gạo Việt Nam là gạo cứu đói”. Vì trước đây người ta nghĩ gạo Việt Nam là gạo phẩm cấp thấp, chỉ để cứu đói. Giờ đây, gạo Việt không chỉ vươn tầm thế giới mà còn khẳng định là loại gạo ngon nhất”.

Theo TS Lê Văn Bảnh, vấn đề hiện nay là tổ chức sản xuất phù hợp, theo hướng nhân rộng giống lúa ngon này để có sản lượng, cung cấp cho hệ thống cửa hàng, siêu thị và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là hướng tới thị trường nước ngoài khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Gạo ST25 thuộc loại gạo thơm từ giống lúa ST ở tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa ST25 do nhóm sản xuất gạo chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng gồm Kỹ sư Hồ Quang Cua, Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương và TS Trần Tấn Phương lai tạo.

ST25 là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm. Gạo ST25 có hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm; khi nấu cơm dẻo dai, không dính, hạt cơm đồng đều, vị ngọt nhẹ, thơm ngon tự nhiên.

Đây cũng là giống lúa chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 4/11, gạo ST25 cũng đạt giải Nhất trong cuộc thi gạo ngon Việt Nam do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức.

Sau khi về hưu, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu lai tạo lúa thơm ST và làm cố vấn cho Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí do hai con trai của ông làm Giám đốc. Sau thời gian 10 năm dự thi Hội thi Gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 của Việt Nam đạt giải Nhất (World’s Best Rice 2019).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.