Theo một thống kê của chính phủ năm 2012, hơn 42.000 sinh viên Turkmenistan du học nước ngoài hàng năm. Trong khi đó mỗi năm chỉ có hơn 7.000 sinh viên vào học các trường ĐH trong nước…
Thít chặt cánh cửa du học
Những vụ giao tranh tại khu vực đường biên giới dài 744km giữa Turkmenistan và Afghanistan đã gia tăng ở mức báo động thời gian gần đây. Lo ngại vòng xoáy chiến tranh tại Afghanistan sẽ lan sang, chính phủ Turkmenistan đang vội vàng thực hiện chính sách tăng cường binh sĩ.
Theo luật nghĩa vụ quân sự mới, tiếng địa phương gọi là Azatlyk, nam giới từ 18 tuổi chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ không được du học nước ngoài.
Theo thống kê của chính phủ từ năm 2012, hơn 42.000 sinh viên Turkmenistan đang du học nước ngoài hàng năm. Đa số là tự túc tài chính, số đi học bằng ngân sách chính phủ chỉ khoảng 2.000 sinh viên. Ukraina là điểm du học phổ biến nhất với du học sinh Turkmenistan, với trên 13.000 du học sinh, tiếp theo là Belarus với 10.000 sinh viên.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia là những quốc gia khác thu hút nhiều du học sinh Turkmenistan. Ở trong nước, chỉ 7.128 trong tổng số 100.000 học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm vào học các trường ĐH quốc nội.
Trong bối cảnh nền kinh tế Turkmenistan chịu khủng hoảng và tỉ lệ thất nghiệp tăng tới 11% thì hệ quả của sự thay đổi chính sách hạn chế du học có thể ảnh hưởng nhiều tới sự phục hồi kinh tế tương lai.
GD chồng chất khó khăn
Chuẩn giáo dục tại Turkmenistan đã ở mức thấp kể từ khi Liên Xô tan rã. Dưới thời Tổng thống Sapamurat Niyazov, phổ cập giáo dục giảm xuống chỉ còn 9 năm.
Bằng tốt nghiệp THPT tại Turkmenistan không được công nhận ở nước ngoài. Sau khi ông Berdymukhammedov trở thành Tổng thống năm 2006, chuẩn giáo dục đã nhanh chóng tăng trở lại.
Năm 2007, giáo dục phổ cập được nới rộng lên 10 năm, và đến năm 2013, học sinh được đòi hỏi hoàn tất 12 năm để hoàn tất giáo dục trung học.
Mục đích của biện pháp này là để hội nhập hệ thống giáo dục Turkmenistan với chuẩn quốc tế, cho phép nhiều học sinh du học nước ngoài để học hỏi kiến thức tiên tiến giúp phát triển kinh tế đất nước.
Song song với biện pháp trên, chính phủ Turkmenistan cũng quyết định công nhận bằng cấp nước ngoài, đảo ngược chính sách áp dụng năm 2004 để hạn chế sinh viên du học nước ngoài.
Tuy nhiên nền giáo dục quốc nội vẫn còn vô số khó khăn, trong đó nổi lên là tình trạng tham nhũng. Theo một điều tra, nhiều thí sinh trả “giá” để thi đậu kì thi tuyển sinh đại học năm 2014 là 40.000 USD. Với những trường danh tiếng hơn như ĐH Y và Khoa Luật ĐH Quốc gia Turkmenistan thì tiền đút lót lên tới 70.000 USD.
Ngân sách chính phủ cho các trường THPT cũng bị bòn rút nghiêm trọng. Năm 2012, hơn 114 trường mới được xây mới trên toàn quốc. Tuy nhiên chi phí đã bị thổi phồng đến mức mà hàng nghìn trường có thể được sửa sang lại với số tiền này.
Bởi thiếu hụt ngân quỹ trầm trọng mà đa số trường THPT chỉ dựa vào tiền đóng góp của phụ huynh học sinh và cơ sở vật chất trong tình trạng xuống cấp.