Con dâu khó xử khi bố mẹ chồng “khẩu chiến“

Em về làm dâu của bố mẹ chồng em cũng mới được 2 năm nay, số lần em gặp ông bà cũng không nhiều vì vợ chồng em làm trên Hà Nội, còn ông bà ở dưới quê. Nhưng lần nào về quê thăm bố mẹ, em cũng phải chứng kiến cảnh ông bà cãi nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng em đi làm ở Hà Nội, cứ 2 ngày cuối tuần thì về nhà thăm bố mẹ một lần. Mỗi lần về thì mấy anh em trong nhà hay tụ tập nấu nướng liên hoan. Nhưng không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, chả mấy khi được vui.

Có lần thì mẹ chồng em ngồi lì trong buồng không chịu ra ăn cơm, ôm đứa cháu (con của anh trai chồng em) khóc lóc vật vã như có người chết. Ai vào bảo cũng không chịu ra ăn cơm. Khiến tâm trạng ai cũng trùng xuống, chả còn thiết ăn uống gì nữa.

Có lần thì cả nhà đang ăn uống vui vẻ, bố chồng em không nói gì, mẹ chồng em chả hiểu nghĩ gì chen vào chửi bố chồng em. Bà chửi tục lắm nói bà vất vả cả đời hi sinh cho chồng con, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc mà thằng chồng không ra gì. 

Chồng em và anh trai cùng anh rể đều bảo là “Thôi mẹ đừng nói nữa ngày nào cũng một câu chuyện mà mẹ kể hết năm này qua năm khác”, nhưng mẹ chồng em vẫn chửi. Bực quá anh trai chồng em mới ném vỡ một cái chén rồi bảo “Nếu mẹ vẫn nói con sẽ ném từng cái”.

Vậy mà mẹ chồng em vẫn chửi, thành ra anh trai chồng em rốt cuộc đã ném hết cả mâm đồ ăn và nồi cơm điện ra sân.

Chồng em trước nay vẫn bênh và thương mẹ nhưng cũng bực lắm, nói “Sao mẹ lại làm cả nhà nháo nhào như thế, nhà cửa như này con thật sự không muốn ở”.

Thế là mẹ chồng em lồng lộn lên, bà đuổi bọn em đi và nói “Hai đứa bây đi đi để tao đốt hết cái nhà này”. Bà bù lu bù loa là 2 thằng con trai mất dạy, chúng mày về phe “nó” hết, không coi mẹ ra gì (“nó” là bố chồng em). Rồi gào rồi khóc rồi lại chửi bố chồng em.

Hôm sau vợ chồng em đi làm lại lên Hà Nội, gọi điện cho mẹ chồng em thì bà giận không bắt máy.

Thế là giờ bà bù lu bù loa với họ hàng, làng xóm là nuôi chồng em ăn học cho lắm vào, giờ đối xử với mẹ như thế, là đồ con bất hiếu. Rồi còn nói em là chồng nó như thế rồi em cũng không biết đường mà bênh bà.

Thực ra thì mẹ chồng em tính trẻ con, khẩu xà tâm phật, chỉ cần mẹ không vừa lòng một tí là cũng dằn dỗi, làm mình làm mẩy với bố chồng. Những chuyện cãi nhau giữa hai ông bà toàn là những việc nhỏ nhặt, nếu bình tĩnh nói chuyện thì sẽ giải quyết được vấn đề. 

Nhưng tính mẹ chồng em lại bảo thủ, chỉ khăng khăng thích theo ý mình, và mẹ phải cái tật nói nhiều nên nhà cửa lúc nào cũng như đang có chiến tranh. Mẹ lại đang tuổi hồi xuân, thích được cưng nựng, chiều chuộng nhưng bố chồng không hưởng ứng nên cũng làm mẹ bức bối, mặt nặng mày nhẹ suốt ngày.

Là phận con dâu, em không được khéo léo lắm lại cũng không biết nịnh ai bao giờ nên chẳng biết phải làm sao.

Vốn được sống trong một gia đình bình yên, cha mẹ thương yêu, luôn đối xử dịu dàng với nhau nên em cảm thấy rất ức chế khi mỗi lần về quê phải sống trong bầu không khí căng thẳng, giữa những trận chiến không có hồi kết của bố mẹ chồng. Mà trốn tránh không về thì không được.

Các anh chị khuyên em phải làm thế nào bây giờ ạ?

Thảo Vy (Thường Tín, Hà Nội)

Chuyên gia tư vấn:

Chào em, có lẽ em đang phải đứng trước một tình huống thật sự rất khó xử khi phải thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ chồng cãi nhau, khiến không khí gia đình không được vui vẻ.

Có lẽ mẹ chồng em cũng như rất nhiều người phụ nữ khác, cả đời vất vả làm lụng, hi sinh cho chồng con. Nhưng vì bố chồng em có thể lại là một người chồng ít tâm lí, ít quan tâm và chiều theo những sở thích của vợ nên mẹ chồng em mới cư xử như vậy. 

Những việc mẹ chồng em làm có lẽ cũng chỉ nhằm mục đích mong muốn chồng con quan tâm đến mình nhiều hơn mà thôi.

Nếu có thời gian em hãy ngồi tỉ tê tâm sự với bà, nghe bà kể chuyện về những bức xúc và ấm ức bà phải chịu bấy lâu nay. Rồi từ từ em hãy phân tích cho bà hiểu, vì bố chồng vốn không tâm lý, chiều chuộng bà nên tốt nhất nếu bà muốn ông làm cho điều gì, bà hãy nói với ông. 

Vả lại bây giờ bà đã lên chức bà, đã có cháu nội cháu ngoại rồi thì bà nên làm gương cho các cháu, không nên để con cháu chứng kiến cảnh ông bà cãi vã nhau, như thế chúng sẽ rất buồn và bị tổn thương. 

Hơn nữa việc bà cứ chửi mắng ông sẽ nhồi nhét vào đầu các cháu ý nghĩ ông nội là đồ xấu xa, sẽ ngăn cách tình cảm ông cháu. Hoặc có thể chúng sẽ sợ bà vì lúc nào cũng thấy bà khóc lóc, chửi mắng ông.

Tiếp theo bạn có thể nói với chồng họp mấy anh chị em trong nhà để tìm ra cách giải quyết. Với người mẹ có tính “đồng bóng” như mẹ chồng em thì các con phải chịu khó nịnh và nói khéo léo thì mới chiều được.

Trong gia đình khi bố mẹ có những bất đồng thì con cái sẽ là cầu nối để bố mẹ gần nhau hơn. Nhất là con dâu, bên cạnh việc con trai khuyên nhủ, thì con dâu có vai trò rất quan trọng.

Mỗi lúc ông bà cãi nhau thì mấy anh chị em em có thể trêu trêu cho ông bà hòa nhau, lúc nào cãi nhau to thì phân công nhau nói chuyện với từng người một rồi đả thông tư tưởng cho ông bà làm lành.

Cái gì cũng cần thời gian và quan trọng hơn là phương pháp góp ý phải đúng em nhé. Em hãy cố gắng coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, dành thời gian chăm sóc, yêu thương, chia sẻ suy nghĩ với họ. 

Em hãy cùng chồng lên kế hoạch tâm sự, nói chuyện với bố mẹ, hãy phân tích và nhờ bố mẹ tạo điều kiện để các cháu được phát triển trong một môi trường lành mạnh. 

Ngoài ra, em hãy thủ thỉ, tâm sự với mẹ chồng nhiều hơn. Mẹ chồng đã từng làm con dâu, làm vợ, làm mẹ chắc chắn ít nhiều bà cũng sẽ hiểu được những điều em suy nghĩ, trăn trở.

Còn khi đã cố gắng dùng đủ biện pháp mà bố mẹ chồng vẫn không thay đổi thì em nên cố gắng hạn chế để con và cháu mình phải chứng kiến cảnh ông bà cãi vã nhau, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhân cách và sự trưởng thành của trẻ.

Chúc em và gia đình hạnh phúc!

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.