Từ hồi có con, vợ chồng Nhung mời mẹ chồng ở dưới quê lên trông cháu giúp. Mẹ chồng Nhung tuy hay càm ràm nhưng được cái hết lòng vì con, vì cháu. Không muốn mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu rạn nứt nên dù mẹ chồng nói khó chịu như thế nào, Nhung đều nín lặng.
Nhưng chiều qua, khi đi đám tang một người bạn cũ ở ngoại thành về bị tắc đường, lại bị va chạm với một xe máy đi ngược chiều nên Nhung bị ngã, sây sát nhẹ ở chân.
Sẵn bực tức trong người, lại phải nghe thêm mấy lời khó chịu từ mẹ chồng nên Nhung mới có cách hành xử bột phát. Dù đã tìm cách xin lỗi nhưng mẹ chồng Nhung nhất định không nghe.
Trước kia, Hoài - nhân viên một ngân hàng liên doanh luôn được mẹ chồng khen “ngoan, hiền” vì cô xác định rõ “dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nhịn mẹ chồng”. Nhưng một lần, do bố mẹ đẻ Hoài cho hai vợ chồng một mảnh đất, trong khi cô muốn xây nhà hết thì mẹ chồng muốn bán một nửa, còn một nửa thì xây.
Hoài bực bội bảo: “Mảnh đất đó là của nhà con, mẹ đừng tham gia” trước mặt người giúp việc khiến bà giận, không còn muốn trò chuyện cùng con dâu. Hoài nhiều lần xin lỗi nhưng mẹ chồng vẫn chưa nguôi ngoai.
… Xưa nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn nhạy cảm, cũng có thể do định kiến từ ngàn đời “con dâu khác máu tanh lòng” hay “Thật thà cũng thể lái trâu/Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng”. Nhiều trường hợp, mối quan hệ này vốn dĩ tốt đẹp nhưng chỉ vì một va chạm nhỏ, tình cảm đó bị rạn nứt, rất khó hàn gắn.
Tuy nhiên, việc tránh bất đồng với mẹ chồng là điều không tưởng vì ngay cả giữa bố mẹ đẻ với con ruột còn không tránh được những chuyện căng thẳng.
Có điều, nếu bị bố mẹ đẻ giận sẽ dễ được bỏ qua, còn với mẹ chồng, nó có thể tạo thành “vết nứt” khó hàn gắn. Vì thế, khi có bất hòa, con dâu cần khéo léo trong lời ăn tiếng nói để mẹ chồng có thể hiểu được ý mà không bị mất lòng; tiếp đến là không nên dồn nén ấm ức rồi “tuôn” ra một lúc. Nếu muốn có ý kiến, có thể trao đổi ngay với mẹ chồng, còn chuyện bực bội đã qua thì tránh tìm cách khơi lại.