Con chớm tuổi yêu, mẹ dùng chiêu chị Tơ Hồng

Khi phát hiện con biết yêu, thay vì chia sẻ, định hướng cho con, nhiều bậc cha mẹ đã gắt gỏng, làm to chuyện thậm chí cấm đoán.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Trong một hội thảo về giáo dục giới tính gần đây, chị Nguyệt (Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị đang học lớp 8. Một lần đi học về cu cậu tò mò hỏi mẹ: "Hôm nay có hai bạn lớp con hôn nhau trong giờ ra chơi, các bạn khác bảo họ đang hôn kiểu Pháp. Hôn kiểu Pháp là thế nào hả mẹ". 

Nghe thắc mắc của con, chị Nguyệt giật mình, lúng túng không biết trả lời ra sao. Chị gắt gỏng: "Con nít hỏi chuyện đó làm gì".

Cu cậu tiu nghỉu, vác cặp vào phòng, buổi cơm chiều còn giận mẹ không cười, không nói. Chị Nguyệt biết mình đã sai, đêm đó trằn trọc suy nghĩ. Con chị đã biết tò mò về bạn khác giới. Chị sợ con mình yêu sớm, chểnh mảng học hành, sợ đứa con trai bé bỏng không còn thân thiết với mẹ nếu như nó có bạn gái.

"Thời nay tình yêu học trò không còn đơn thuần trong sáng như trước. Chỉ sợ con yêu sớm, không còn trong tầm kiểm soát của cha mẹ nữa", chị bày tỏ.

Chị Thủy Anh (39 tuổi, ở Đống Đa) có con gái tên Ngân đang học lớp 9. Khi con nhỏ, chị đã dạy bé biết chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình. Chị chủ động làm bạn với con. Gần như ngày nào cô bé cũng kể với mẹ những chuyện trên lớp. 

Dạo này, chị thấy mối quan tâm của con đã khác: "Thay vì kể với mẹ chuyện xung quanh các bạn gái thân hay điểm số, dạo này con tôi hay kể có bạn nam để ý. Con từng nói có bạn nam nhìn chằm chằm, một bạn khen tóc con đẹp, mùi dầu gội rất thơm, bạn nam này đôi lúc cũng hay xách cặp cho con nữa...".

Chưa hết, chị Anh còn thấy con gái mình điệu đà hơn. Mỗi sáng, cô bé hay đứng trước gương rất lâu ngắm nghía, mái tóc đuôi gà giờ được con buông xõa. Rút kinh nghiệm từ những phụ huynh khác, chị không dám ngăn cấm, nạt nộ, sợ con sẽ có khoảng cách với mẹ, lúc đó còn khó kiểm soát hơn. 

"Lúc cơ thể con có những dấu hiệu thay đổi, mình thấy rất vui mừng, hướng dẫn con cách chăm sóc cơ thể tuổi dậy thì. Bây giờ mình mới nghĩ ra dậy thì cũng là tuổi nhiều đứa trẻ biết yêu, con mình còn quá non nớt nếu cháu yêu bây giờ", chị bộc bạch. Hiện tại chị chỉ biết khuyên con gái chăm chỉ học hành và đối xử tốt với tất cả bạn bè.

Theo chuyên gia Phan Bích Thủy (chuyên gia về Đào tạo và Dịch vụ Sức khỏe Sinh sản, Tổ chức Concept Foundation), thực tế có nhiều phụ huynh lúng túng không biết nên làm thế nào khi con bước vào tuổi biết yêu. 

Theo chuyên gia, các bậc phụ huynh không cần thiết phải quá căng thẳng, mà phải có phương pháp xử lý. Ngăn cấm những tình cảm của con cái là điều tối kỵ, hơn thế con cái sẽ trở nên khép kín và âm thầm chống lại mong muốn của phụ huynh. 

Chúng sẽ nói dối để được đi chơi, giả vờ ngây thơ trước mắt cha mẹ nhưng sau lưng lại tìm hiểu thông tin từ bạn bè, mạng ảo... những thông tin này có thể sai lệch.

Thực ra cha mẹ cần phải làm rất nhiều trước khi con bước vào tuổi yêu. Khi con còn nhỏ, chúng ta bế ẵm, chăm sóc. Lúc con lớn lên, cha mẹ cần phải chăm sóc con nhiều hơn cả về mặt tinh thần. Gần gũi con và tạo một niềm tin là điều cha mẹ cần duy trì từ khi con còn nhỏ và mãi mãi sau này. 

"Làm bạn cùng con” không phải một khẩu hiệu mà cần là những xử sự hàng ngày. Ví dụ khi con yêu một bạn nào đó, sẽ hoàn toàn phản tác dụng nếu chúng ta lên lớp một cách giáo điều. Càng phản tác dụng hơn nếu cố gắng tìm ra những điểm xấu của người bạn kia rồi cấm con yêu.

"Tốt nhất chúng ta thư giãn nói chuyện với con thật thoải mái. Bản thân tôi rất thích đùa cùng con, thỉnh thoảng tôi hỏi con gái khi con đến tuổi yêu "Có cậu nào vướng vào lưới của con chưa". 

Thấy tôi thoải mái như vậy, con tâm sự với tôi rất dễ dàng. Đây chính là cơ hội để chúng ta nói về cái hay, cái dở, cái được, cái mất khi con yêu tuổi học đường", chuyên gia Phan Bích Thủy chia sẻ.

Chuyên gia kể trường hợp một người bạn lo lắng vì cậu con trai chuẩn bị thi đại học lại muốn tỏ tình với bạn gái cùng lớp trong buổi liên hoan chia tay. Sau khi trao đổi, người mẹ này đã nói chuyện cởi mở với con trai, không ngăn cản con tỏ tình vào ngay đêm hôm ấy. Tuy vậy bà đã đặt ra một số câu hỏi cho con.

Mẹ hỏi “Theo con, bạn gái ấy có yêu con không”. Con trai trả lời “Con nghĩ là bạn ấy có yêu con nhưng vì có nhiều bạn khác thích bạn ấy nên đêm nay con phải tỏ tình”. Bà mẹ này hỏi thêm: “Vậy vì sao bạn ấy lại yêu con”. 

Con trai cười tươi: “Vì con đẹp trai, học giỏi lại ga lăng”. Bà mẹ cũng cười: “Con đẹp trai, ga lăng khỏi phải bàn rồi nhưng nếu con trượt đại học thì bạn ấy có yêu con nữa không”. Cu cậu lúng túng gãi đầu “Con trượt làm sao được”. 

Người mẹ này tiếp tục: “Con nói như vậy mẹ hiểu rằng nếu con thi đỗ đại học thì bạn ấy sẽ tiếp tục yêu con”. Con trai gật đầu. Mẹ ân cần nói “Con ạ, người ta nói trai tài gái sắc, bạn ấy rất xinh, có nhiều bạn trai để ý, bạn ấy sẽ yêu một cậu con trai thành đạt. Nếu con trượt đại học thì chắc chắn con sẽ rơi ra khỏi danh sách của bạn ấy mất thôi”...

Cuối cùng hai mẹ con đã nhất trí với nhau: Thi đỗ đại học là mục tiêu số một của con, còn bao giờ tỏ tình là tùy ở con. Cậu con trai ấy đã thi đỗ đại học với điểm số rất cao và đang chuẩn bị lên đường du học. Sau kỳ thi cậu cũng đã ngỏ lời và thấy rằng tỏ tình được rồi cũng... bình thường thôi.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.