"Con bài" lúa mì

GD&TĐ - Ấn Độ đã đưa ra động thái đầy bất ngờ bằng việc cấm xuất khẩu lúa mì vào ngày 13/5. Quyết định được đưa ra nhằm “quản lý an ninh lương thực chung của đất nước và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương khác”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước đó, có vẻ như Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, có đủ dự trữ để đáp ứng nhu cầu từ cả thị trường trong và ngoài nước.

Quyết định mới của New Delhi đã nhận được sự chú ý toàn cầu. Một phần là do giá lúa mì tăng từ 325 lên 450 USD/tấn, sau quyết định tấn công Ukraine của Nga. Nguồn hàng từ Ấn Độ đã bù đắp một phần sự thiếu hụt cho Ukraine trong tháng 4.

Quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được dự đoán có thể dẫn đến mức giá toàn cầu tăng vọt. Trước bối cảnh này, một số quốc gia và các tổ chức toàn cầu như G7 đã bày tỏ hy vọng Ấn Độ cân nhắc lại quyết định.

Hai yếu tố chính có thể thúc đẩy quyết định của Ấn Độ là mức dự trữ lúa mì hiện tại và lạm phát trong nước. Số dư của các kho dự trữ lúa mì trong tháng 1 ở mức 33 triệu tấn. Con số này giảm dần xuống còn 28,2 triệu, 23,4 triệu và 19 triệu tấn từ tháng 2 đến tháng 4. Vào tháng 5, dự trữ tăng lên 30,3 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 52,6 triệu vào tháng 5/2021 và 35,8 triệu vào cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, vào tháng 4, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này lên tới 7,8%, so với con số 4% vào đầu năm 2021. Các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến việc duy trì ổn định giá cả trong nước. Ưu tiên này đã được phản ánh trong quyết định tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của New Delhi có thể mang lại sự ổn định về giá cho người tiêu dùng Ấn Độ, đặc biệt là trong giai đoạn trước cuộc bầu cử cấp bang sắp tới. Tuy nhiên, nông dân và thương nhân tại quốc gia này dường như chưa được xoa dịu.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá lúa mì tăng trên toàn cầu. Điều đó tạo ra nhu cầu tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Ấn Độ. Quyết định mới sẽ ảnh hưởng đến cả những người nông dân đang giữ hàng tồn kho, cũng như các thương nhân đã mua hàng để đón đầu cơ hội xuất khẩu.

Một trong những mục tiêu của Chính phủ Ấn Độ vào năm 2016 là tăng gấp đôi thu nhập từ trang trại trong năm nay. Điều này đòi hỏi sự ổn định trong sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù quyết định cấm xuất khẩu lúa mì không đóng góp vào mục tiêu này, nhưng có thể đảm bảo ổn định giá cả trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cần khẩn trương tập trung vào cải cách thị trường đầu vào nông nghiệp để giảm chi phí trồng trọt. Nhờ đó, thúc đẩy nhu cầu và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cung cấp cho các doanh nghiệp Ấn Độ khả năng cạnh tranh về giá. Từ đó, tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn.

Nếu không, nông nghiệp sẽ tiếp tục là “gót chân Achilles” trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương và khu vực. Trong khi đó, các lệnh cấm xuất khẩu định kỳ đối với những mặt hàng chính sẽ vẫn là một quy tắc, chứ không phải là ngoại lệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ