Còn 5 tỉnh chậm chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà

GD&TĐ - Đến nay, cả nước có 39 tỉnh, thành phố hoàn thành giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà. Tuy nhiên, vẫn còn 5 địa phương tiến độ giải ngân dưới 70%.

Chính sách hỗ trợ thuê nhà cho lao động được đánh giá là nhân văn. Ảnh minh họa
Chính sách hỗ trợ thuê nhà cho lao động được đánh giá là nhân văn. Ảnh minh họa

5 tỉnh có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 70%

Bộ LĐ-TB&XH đã cập nhật thông tin về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. 2 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên. Riêng tỉnh Cao Bằng báo cáo không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.

Sau những hoạt động đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến hết ngày 6/9/2022, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 132.900 lượt doanh nghiệp với 5.270.036 lượt lao động. Mức kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 3.745 tỉ đồng, tương đương 57,71% so với số kinh phí dự kiến của địa phương.

Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách là 131.015 lượt doanh nghiệp, 5.071.840 lượt lao động với kinh phí hơn 3.618,29 tỉ đồng. Con số này tương đương 96,62% so với số hồ sơ đã tiếp nhận đề nghị.

Số hồ sơ đã được giải ngân thuộc 117.263 doanh nghiệp với 4.686.872 lao động, hơn 3.121 tỉ đồng đạt 83,341% so với số kinh phí mà cấp huyện đã tiếp nhận đề nghị và đạt 48,09% so với dự kiến ban đầu.

Theo báo cáo, hiện đã có 39/60 tỉnh, thành phố đã giải ngân 100% trên số hồ sơ tiếp nhận đề nghị hỗ trợ. Đó là các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Hòa Bình, Phú Thọ, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sóc Trăng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Bình Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Bình Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Kon Tum, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Đắk Nông.

Đến hết ngày 30/8, là thời hạn cuối cùng các tỉnh, thành phải hoàn thành giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cả nước vẫn còn 5 tỉnh có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 70% so với số tiếp nhận đề nghị. Đó là Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên.

Tỉ lệ giải ngân thấp so với dự kiến

Theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động không chỉ hỗ trợ cho người lao động, mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động thì phải nhanh chóng lập danh sách, nhanh chi trả tiền cho họ. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là chính sách, chủ trương rất nhân văn, được sự đồng thuận của người lao động.

Từ tháng 5/2022 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều đoàn công tác tới kiểm tra, làm việc tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đôn đốc triển khai thực hiện chính sách. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, tỉ lệ giải ngân so với kinh phí dự kiến ban đầu thấp. Lí do của việc chậm tiến độ bởi dự toán kinh phí ban đầu chưa sát thực tế.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương sau khi đã tiếp nhận hồ sơ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh số liệu với số lượng đối tượng được hưởng chính sách giảm khá lớn. Cụ thể như Đồng Nai (giảm 285 tỉ đồng, tương đương 39,58%); Hà Nội (giảm 219,1 tỉ đồng, tương đương 56,82%); Long An (giảm hơn 189 tỉ, tương đương 52%); Kiên Giang (giảm 93 tỉ, tương đương 86,67%); An Giang (giảm 87 tỉ, tương đương 91,95%); Quảng Ninh (giảm 65 tỉ, tương đương 71,93%); Hải Dương (giảm 15 tỉ đồng, tương đương 31,76%)…

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Đồng thời, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Hơn nữa, việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung. Mục đích để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú dẫn tới kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ.

Cùng với đó, người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên đến tháng 7/2022 mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ. Một số doanh nghiệp cung cấp thông tin chưa chính xác nên khi thẩm định phát hiện, gửi lại doanh nghiệp yêu cầu hoàn chỉnh lại hồ sơ. Một số hồ sơ đã phê duyệt, chuyển kinh phí nhưng do sai số tài khoản nên chuyển trả lại.

Đáng chú ý, một số người sử dụng lao động sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên chưa chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trong khi đó, người lao động e ngại là đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp. Họ có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung triệu tập hội nghị giao ban toàn quốc, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện các tỉnh, thành phố đang cố gắng thẩm định để giải ngân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thẩm định, giải ngân. Đồng thời, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của các tỉnh sẽ là một trong những căn cứ để theo dõi, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội ở từng địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ