Hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động: 'Gọi tên' những địa phương chưa làm đúng trách nhiệm

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt.

Nhiều địa phương còn chậm giải ngân tiền thuê nhà cho lao động. Ảnh minh hoạ
Nhiều địa phương còn chậm giải ngân tiền thuê nhà cho lao động. Ảnh minh hoạ

Nhiều địa phương khoán trắng cho cấp dưới

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo, đôn đốc về nội dung này. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng nào.

“Hết 7 tháng nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn rất thấp, có tiền nhưng không thể tiêu. Tôi đề nghị các địa phương, đến hết tháng 8 tỉ lệ giải ngân phải được cải thiện rõ rệt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, tình hình xây dựng pháp luật, thể chế chính sách còn chậm, “thay tên đổi họ” nhiều, xin bổ sung xin rút ra cũng không ít.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách theo đề xuất của các địa phương. Tính đến ngày 2/8, các địa phương mới duyệt hồ sơ cho 17.356 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động tương đương 1/3 tổng số hồ sơ. Trong đó, một số địa phương có tỉ lệ giải ngân cao như Bắc Giang (38,5%), Thái Nguyên (33%)… Tuy nhiên, tại một số địa phương, do cấp ủy, chính quyền còn thờ ơ dẫn tới việc giải ngân rất chậm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động. Thực tế, nhiều địa phương “khoán trắng” cho cấp dưới, khoán cho doanh nghiệp, người lao động. Trong khi một số địa phương khác lại buộc bổ sung thêm giấy tờ không có trong quy định như đòi hỏi hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng…

“Xây dựng chính sách này, yêu cầu cơ bản là đơn giản nhất các loại thủ tục nhưng vẫn có địa phương yêu cầu chủ nhà trọ phải cung cấp đăng ký kinh doanh khi xác nhận cho công nhân thuê trọ. Cũng có doanh nghiệp nộp hồ sơ cả tháng nhưng địa phương chưa giải quyết kịp thời trong khi theo quy định chỉ được giải quyết trong hạn 2 ngày làm việc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Quyết định 08 nêu rõ, đến 15/8 phải hoàn thành việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nhưng đến nay, chỉ có 3 tỉnh có tỷ lệ giải ngân tương đối.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho thông tin, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí công bố kết quả tỷ lệ giải ngân của từng địa phương.

Gần đây Bộ cũng đã cử đoàn công tác tới TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để đẩy nhanh việc hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Đây là 3 địa phương có hơn 2,35 triệu lao động dự kiến hưởng hỗ trợ.

Chưa kịp thời chia sẻ khó khăn với người lao động

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Bằng Huy, mục đích của Quyết định 08 nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Nguyên tắc hỗ trợ là trên cơ sở đề nghị của người lao động đang ở thuê, ở trọ, đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai tại nhiều địa phương rất chậm, chưa kịp thời chia sẻ được khó khăn với người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Huy chỉ rõ, nguyên nhân chính là do người lao động, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần. Vì vậy, đến tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cũng nêu nguyên nhân khác như một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Bên cạnh đó, việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có tâm lý sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ. Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến đăng ký tạm vắng, tạm trú.

Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp. Nhiều người có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm lưu ý một số giải pháp. Đó là về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được quan tâm nhiều hơn. Nhiều người lao động, doanh nghiệp do chưa hiểu thấu đáo về chính sách nên lo ngại, sợ liên lụy nên từ chối, không lập hồ sơ đề nghị. Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cần phải có sự tham gia quyết liệt của công đoàn cơ sở, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc thì sẽ nhanh chóng thực hiện được. Vì thế, người đứng đầu phải quyết liệt. Ngoài ra, công đoàn cơ sở, ban quản lý các khu công nghiệp phải tăng cường rà soát, hướng dẫn người lao động thực hiện các quy định của pháp luật, kịp thời hỗ trợ người lao động lập hồ sơ đề nghị đúng thời hạn.

Danh sách địa phương chưa giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến ngày 2/8/2022: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ