"Cởi mở" với chống Covid-19

GD&TĐ - Nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, những biện pháp chống dịch như trước đây được cho là không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, để Covid-19 luôn là bệnh đặc hữu, việc tiêm phòng mỗi năm là vô cùng quan trọng.

Cần duy trì tiêm vắc-xin Covid-19 hằng năm để theo kịp sự biến đổi của virus.
Cần duy trì tiêm vắc-xin Covid-19 hằng năm để theo kịp sự biến đổi của virus.

Ca điều trị tại bệnh viện giảm

Tính đến sáng 8/4, Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 10,07 triệu ca mắc Covid-19 từ đầu vụ dịch. Bình quân, khoảng 9 người dân có một người đã/đang là F0. Theo Bộ Y tế, các chỉ số liên quan đến dịch Covid-19 cho thấy, số mắc mới đang giảm đều, số tử vong giảm mạnh. Ngày 7/4, nước ta ghi nhận 21 ca tử vong, thấp hơn bình quân tuần qua và thấp hơn nhiều so với 3 tháng đầu năm (ghi nhận xấp xỉ 100 ca tử vong/ngày).

Về số ca chuyển nặng, ngày 7/4 ghi nhận 1.674 ca điều trị tại các bệnh viện, giảm hơn 1/2 so với tháng 3. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ tháng 7/2021 đến nay.

Hà Nội chiều 7/4 thông báo ghi nhận thêm 3.635 ca Covid-19 mới, giảm gần 400 trường hợp so với hôm trước đó. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (327); Hoàng Mai (242); Nam Từ Liêm (204); Hà Đông (184). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.515.520 ca.

Hiện, toàn thành phố còn gần 159.000 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi. Trong số này, có 773 ca điều trị tại các bệnh viện. Số còn lại theo dõi, cách ly tại nhà. Ngày 6/4, Hà Nội không ghi nhận ca tử vong. Trong khi đó, hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã tiêm mũi 3 nhắc lại.

Giải pháp tương tự cúm mùa

Bước sang năm Covid-19 thứ 3, không ít quốc gia đã triển khai những giải pháp để sống chung với SARS-CoV-2. Cuối tháng 2, Bộ Y tế Thái Lan cho biết có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong 4 tháng tới. Hướng dẫn để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế Thái Lan gồm ba tiêu chí: Số ca mắc mới theo ngày dưới 10.000, tỷ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì Covid-19, hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin.

Trong khi đó, Tây Ban Nha là một trong số các nước đang kêu gọi xem Covid-19 như bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa Covid-19 là căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng như bệnh cúm. Nếu vậy, Tây Ban Nha sẽ không báo cáo số ca mắc mới theo ngày. Ngoài ra, người có triệu chứng bệnh sẽ không cần xét nghiệm dù vẫn được điều trị.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam - cho rằng, dù có lần lữa, cũng đến một ngày chúng ta phải coi Covid là bệnh thông thường, tương tự cúm. “Nhưng vấn đề là khi nào xã hội và chính mỗi chúng ta đồng ý và chấp nhận với quan điểm đó? Càng đỡ sợ hãi và nhanh chấp nhận, thì kinh tế - xã hội càng nhanh quay lại bình thường”, TS Sơn nhận định.

Theo chuyên gia này, giải pháp 5K là cách nhằm tránh tạo ra khủng hoảng, khi số lượng bệnh nhân nặng có thể vượt quá khả năng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, khi đỉnh dịch qua và lượng bệnh nhân nhập viện giảm, việc chuyển từ 5K xuống 4K, 3K và 0K là cần thiết. Bởi, theo TS Sơn, đó là sự tiến bộ.

Chuyên gia đồng thời ủng hộ quyết định để trẻ em đến trường. Bởi, các bằng chứng cho thấy, tỷ lệ trẻ có tình trạng bệnh nặng và tử vong do Covid ở mức rất thấp. TS Sơn cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần kịp thời thay đổi dựa trên các bằng chứng khoa học.

Trong khi đó, TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên Khoa Vi sinh Trường Đại học Y Dược TPHCM - giải thích, bệnh đặc hữu hay là bệnh lưu hành đều được dịch từ chữ “endemic”. Qua đó, diễn tả một bệnh lưu hành và lây lan có giới hạn, không bùng phát thành dịch.

Với tốc độ lây lan như hiện nay, Việt Nam không còn ưu tiên cho các giải pháp cách ly, phong tỏa. Theo TS Vân, khi quyết định mở lại các trường học, trung tâm vui chơi sinh hoạt, chợ và siêu thị…, gần như ai cũng có thể bị nhiễm Omicron. Tuy nhiên, nhiễm Omicron hiện nay ít dẫn đến bệnh nặng và trầm trọng. Bởi, đa số đã có miễn dịch đặc hiệu.

“Với định nghĩa này thì Việt Nam chúng ta có nhiều bệnh đặc hữu như sốt rét, thương hàn, tay chân miệng, cúm mùa… Với tình hình hiện nay khi Covid-19 chủ yếu là bệnh nhẹ thì có thể xem là một bệnh đặc hữu như cảm cúm thường (common cold), cúm mùa… Nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, chúng ta sẽ không cần những biện pháp chống dịch như trước đây nữa, vì bệnh sẽ không thành đại dịch”, chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, theo TS Vân, chắc chắn là phải duy trì để Covid-19 luôn là bệnh đặc hữu và giải pháp có thể sẽ như cúm mùa. Đó là phải tiêm phòng mỗi năm để theo kịp sự biến đổi của virus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.