Cơn sốt giá vàng bùng nổ trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Giải thích với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng hàng loạt gói cứu trợ trị giá 20.000 tỷ USD trên toàn cầu (theo số liệu của Bank of America) dẫn đến đồng tiền mất giá và có khả năng tạo ra siêu lạm phát, tiếp nhiệt lượng cho giá kim loại quý.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, lạm phát có quay trở lại hay không?
Một số chuyên gia còn cho rằng giảm phát mới là vấn đề mà các nước phát triển phải đối mặt khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Vàng tăng giá vì lo ngại lạm phát
Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý đã tăng gần 30%. Hồi đầu tháng 8, giá vàng thiết lập kỷ lục mới 2.075 USD/ounce. Chỉ riêng trong năm nay, 50 tỷ USD vàng thỏi đã được đổ vào các quỹ giao dịch vàng và bạc vật chất. Quỹ ETF hiện nắm giữ kim loại quý nhiều hơn mọi ngân hàng trung ương trên thế giới, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trao đổi với Zing, ông Andrew Naylor, Trưởng bộ phận ASEAN của Hội đồng Vàng Thế giới, cho rằng các nguyên nhân giúp vàng tăng giá trong cả ngắn hạn và dài hạn là tình trạng bất ổn của nền kinh tế và thị trường toàn cầu do dịch Covid-19, môi trường lãi suất cực thấp và khả năng lạm phát cao.
"Điều đó dẫn đến việc giới đầu tư trên khắp thế giới tìm cách giảm thiểu rủi ro", ông giải thích.
Trong khi đó, ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), khẳng định cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 có thể dẫn đến siêu lạm phát.
"Nguyên nhân hàng đầu khiến giá vàng tăng cao là cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương lớn phản ứng bằng cách in thêm tiền, nới lỏng định lượng, môi trường lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm, đồng tiền mất giá và có khả năng tạo ra siêu lạm phát", ông Manly giải thích với Zing.
Giá vàng năm nay xô đổ kỷ lục năm 2011. Ảnh: Reuters. |
Vàng giữ được giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm. Nói cách khác, giá trị của tiền giảm, giá vàng sẽ tăng. Vì vậy, giới đầu tư chuyển sang nắm giữ tài sản thực, bao gồm vàng và hàng hóa, do lo ngại lạm phát phá hủy giá trị của tiền và các khoản đầu tư cố định thu nhập khác.
Vị chuyên gia tại BullionStar khẳng định "nên mua vàng để đầu tư, trú ẩn và phòng ngừa lạm phát".
Giới quan sát nhận định đà tăng của giá vàng sẽ kéo dài do rủi ro lạm phát cao. Hồi cuối tháng 7, Bank of America dự báo giá vàng có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce trong vòng 18 tháng tới.
"Lạm phát sẽ tấn công các nền kinh tế trên thế giới trong một vài tháng tới. Cùng với đó là những bất ổn địa chính trị gia tăng. Các yếu tố này sẽ thúc đẩy giá vàng tăng cao. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng giá kim loại quý tăng cao trong dài hạn", chuyên gia phân tích về kim loại quý Jim Wyckoff của Kitco News trả lời Zing.
Lạm phát có trở lại?
Lo ngại lạm phát khiến giới đầu tư đổ xô mua vàng. Nhưng câu hỏi đặt ra là lạm phát có trở lại hậu khủng hoảng hay không?
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, lạm phát đã giảm nhẹ ngay cả khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh in tiền. Không phải việc bơm tiền mà cách sử dụng tiền mới ảnh hưởng đến giá.
Thực tế cho thấy vận tốc của tiền giảm xuống sau năm 2008. Đây là thước đo số lần tiền chuyển từ thực thể này sang thực thể khác của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, rất nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế nhưng không được lưu hành. "Mối liên hệ giữa cung tiền và lạm phát rất hời hợt. Cung tiền có thể lớn. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết dẫn đến lạm phát", ông Derek Tang, nhà kinh tế tại LH Meyer, nhận định.
Mặc dù các chính phủ trên toàn cầu tung ra hàng loạt gói cứu trợ, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình vẫn tăng cao. Theo số liệu của Bureau of Economic Analysis, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ đã tăng từ 4,8% trong những năm 2000 lên 25,6% ở quý II/2020. Nếu chi tiêu không phục hồi, giá cả không thể leo thang.
Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn khi đà tăng trưởng kinh tế chững lại, thu nhập sụt giảm. Ảnh: Reuters. |
Nhu cầu suy yếu đã khiến giá tiêu dùng của Mỹ lao dốc trong 3 tháng liên tiếp trước khi phục hồi vào tháng 6. "Trong giai đoạn này, ngay cả khi Fed làm hết sức có thể, nhu cầu vẫn khó gia tăng đáng kể", ông Olivier Blanchard, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét.
Một nguyên nhân khác là dịch Covid-19 không tạo ra cú sốc cung. Đại dịch không tàn phá các cơ sở hạ tầng như đường sắt và nhà máy, giúp công suất sản xuất dễ dàng phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi. "Nhu cầu mới là vấn đề chính", Alicia Garcia Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, nhấn mạnh. Đó là lý do bà ủng hộ quan điểm về khả năng giảm phát của các nền kinh tế lớn.
Kịch bản năm 2011 có thể bị lặp lại. Đó là lạm phát không xuất hiện và nền kinh tế phục hồi nhanh, dẫn đến vàng sụt giá mạnh.
- Tom Stevenson (Giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ Fidelity International)
"Mặc dù có nhiều gián đoạn đối với phía cung của nền kinh tế, nhưng vấn đề nằm ở chỗ tổng cầu còn bị tác động nhiều hơn", Phó chủ tịch Ngân hàng Evercore Krishna Guha nhận xét.
Theo Tom Stevenson, Giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ Fidelity International, giá vàng tăng khi lãi suất thực thấp. Việc đó đòi hỏi lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn hoặc cả hai. "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kịch bản năm 2011 cũng có khả năng bị lặp lại. Đó là lạm phát không xuất hiện và nền kinh tế phục hồi nhanh, dẫn đến vàng sụt giá mạnh", ông cảnh báo.
Từ cuối tháng 7 đến tháng 8/2011, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc thảm hại, giới đầu tư đồng loạt đổ tiền vào vàng như một công cụ phòng vệ chống lại các tác động tiêu cực từ cú rơi.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, các nhà đầu tư ồ ạt chốt lời, giá vàng thế giới lao dốc xuống 1.820 USD/ounce, mất gần 90 USD/ounce so với đỉnh. Vào những tháng cuối năm, vàng được giao dịch quanh vùng 1.600-1.700 USD/ounce và khép lại năm với mức 1.600 USD/ounce.
Cho đến khi Fed thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng vào năm 2013, nền kinh tế phục hồi, lạm phát toàn cầu thấp và đồng USD mạnh lên, giá kim loại quý trượt dốc thẳng đứng xuống mức thấp dưới 1.200 USD/ounce.