'Cố vấn Bộ GD&ĐT': Danh xưng bị… lạm dụng?

GD&TĐ - Gần đây, mạng xã hội rần rần nhắc đến cố vấn Bộ GD&ĐT triển khai hoạt động tài trợ học bổng. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: INT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: INT

Dư luận đặt câu hỏi, có hay không “cố vấn Bộ GD&ĐT” và thực hư sự việc thế nào?

Bất ngờ và lạ lẫm

Có gần 25 năm công tác ở Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bất ngờ khi phóng viên hỏi về “cố vấn Bộ GD&ĐT” và khẳng định, thời điểm hiện tại không có tổ chức, cá nhân nào là “cố vấn Bộ GD&ĐT”. “Ở Bộ GD&ĐT, chức danh này chưa từng có trong tiền lệ và Nhà nước cũng không quy định mã chức danh nghề nghiệp hay vị trí việc làm cho người làm cố vấn Bộ GD&ĐT”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ quả quyết.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: “Từ năm 1981 - 1998, tôi làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Sau khi có quyết định nghỉ hưu, tôi được mời ở lại làm việc cho đến năm 2005 thì nghỉ hẳn tại Bộ GD&ĐT. Giai đoạn này, dù công việc giống như cố vấn nhưng không có quyết định nào bổ nhiệm, hoặc ghi danh tôi là cố vấn. Tôi chỉ là chuyên viên cao cấp”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề, liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? Cũng có thể người được “gắn mác” cố vấn không biết mình đang ở vị trí này một cách bất đắc dĩ. Song dù vô tình hay hữu ý cần đính chính cho phù hợp, tránh hiểu nhầm dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Trao đổi về vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thấy lạ khi báo chí giới thiệu một nhân vật là “cố vấn Bộ GD&ĐT”. “Tôi từng là thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, nhưng chỉ ở vị trí tư vấn, chứ không phải cố vấn. Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tôi chưa thấy Bộ GD&ĐT nhắc đến tổ chức, cá nhân nào là cố vấn”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

TS Phạm Xuân Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh: INT

TS Phạm Xuân Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh: INT

Cần đính chính và chấn chỉnh

Nhiều người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục bất ngờ khi được hỏi về việc, có hay không “cố vấn Bộ GD&ĐT”. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có “cố vấn Bộ GD&ĐT”. Cũng có thể do đơn vị tổ chức sự kiện nhầm lẫn hoặc “cố tình” làm vậy để “đánh bóng” sự kiện, tên tuổi. Song dù là lý do nào cũng cần chấn chỉnh để chuẩn mực và chính xác nội hàm từ ngữ lẫn bối cảnh thực tiễn; đồng thời đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên.

Tháng 8/2022, tại một sự kiện liên quan đến chương trình học bổng S-GLOBAL, TS Phạm Xuân Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) được giới thiệu là “cố vấn Bộ GD&ĐT”. “Tôi không nhận mình là “cố vấn Bộ GD&ĐT”, TS Phạm Xuân Thanh khẳng định.

TS Phạm Xuân Thanh từng kinh qua các chức danh: Chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học; Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT). Giai đoạn 2015 - 2018, TS Phạm Xuân Thanh là Tham tán giáo dục tại Úc. Sau khi về hưu ông tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và nay là Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

“Cụm từ ‘Cố vấn từ Bộ GD&ĐT’ có thể được phiên dịch từ “Educational counselor - Tham tán giáo dục” tại Úc nhưng nếu dịch như vậy thì không chuẩn. Lẽ ra phải viết nguyên Tham tán giáo dục tại Úc mới hợp lý”, TS Phạm Xuân Thanh trao đổi.

Theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2018), người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Về mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, làm cho người khác lầm tưởng người phạm tội có chức vụ, cấp bậc thật để dễ dàng thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác để thực hiện hành vi phạm tội khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì cấu thành thêm các tội phạm tương ứng.

Còn về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Hình phạt áp dụng đối với tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Hiện nay, có một số người được cho là “cố vấn Bộ GD&ĐT”, theo ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, Bộ GD&ĐT cần lên tiếng có hay không có, nếu không có thì yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan đính chính thông tin cho chính xác, tránh bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của Bộ, làm ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ