Cổ tích viết lại

GD&TĐ - Phạm Hồng Oanh mong làm mới câu chuyện cổ trong hình hài một thi phẩm có cấu tứ mới lạ, độc đáo, đầy tính nhân văn và ấm áp tình người.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tấm ơi, dì may cho con chiếc yếm đào đây

Con mặc vào lúc đi hội nhé,

Còn đây là manh áo dì mới vá

Con mặc vào những lúc chăn trâu!

Tội cho con, mới tí tuổi đầu

Mồ côi cha lại mồ côi mẹ,

Dì thương con nhưng vẫn là mẹ kế

Không thể nào xoa hết nỗi con đau!

Mừng cho con lọt được chốn cung lầu

Vinh hoa lắm nhưng cũng điên đảo lắm,

Con hãy nhớ con là cái Tấm

Lớn lên từ cuốc bẫm cày sâu.

Con ơi con, đây là những nương dâu

Những dòng sông con từng đi xúc tép,

Con hãy giữ nết quê thuần phác

Để mai này, cho em Cám còn theo.

Còn người đời phán xử đến đâu

Dì xin nhận về mình đến đó,

Chỉ có trái tim con mới rõ

Dì có là bánh đúc không xương?

Phạm Hồng Oanh

Lời bình của Đặng Toán

Nếu trong truyện Tấm Cám, người dì ghẻ bị ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo bà dành cho Tấm, đứa con không phải do mình rứt ruột sinh ra.

Đầu tiên là lời nói và việc làm: “Tấm ơi, dì may cho con chiếc yếm đào đây/ Con mặc vào lúc đi hội nhé/ Còn đây là manh áo dì mới vá/ Con mặc vào những lúc chăn trâu!” Rất nhẹ nhàng, rất tình cảm khiến không chỉ Tấm mà có lẽ cả người đọc cũng cảm thấy ấm lòng.

Tiếp đến là thái độ vui sướng của nhân vật “dì” khi vận may mỉm cười với Tấm: “Mừng cho con lọt được chốn cung lầu”. Nhưng liền ngay đó lại là nỗi lo lắng thường nhật: “Vinh hoa lắm nhưng cũng điên đảo lắm”.

Bởi vậy “dì” không quên căn dặn: “Con hãy nhớ con là cái Tấm/ Lớn lên từ cuốc bẫm cày sâu.” Hai hình ảnh hết sức đối lập: “chốn cung lầu” và “cuốc bẫm cày sâu” cho thấy, nhân vật “dì” là một người sâu sắc, rất trải sự đời. Bà chỉ ra cho Tấm thấy được khoảng cách giầu nghèo cũng như những thử thách, những khó khăn thậm chí cả hiểm nguy luôn hiện diện trong cuộc sống, đòi hỏi mỗi người phải tự biết mình, sống thực tế và thích nghi được trong mọi hoàn cảnh.

Tình cảm đó đích thực là tình cảm của một người mẹ đối với chính con gái ruột của mình rồi còn gì? Cũng đầy đủ cung bậc vui buồn, lo lắng, cũng khuyên răn, bảo ban mọi nhẽ. Mỗi lời nói, mỗi việc làm cùng những tâm tư của “dì” cứ tự nhiên, mộc mạc, giản đơn như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nó cứ nhẹ nhàng thấm vào lòng người đọc lúc nào không biết nữa.

Người đời xưa, nay vẫn từng xa xót ví von: “Mấy đời bánh đúc có xương/  Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Hết lòng chăm chút, lo lắng và yêu thương con chồng, nhưng nhân vật thơ vẫn không tránh khỏi đôi lúc ngậm ngùi cho vị trí của mình trong lòng Tấm: “Dì thương con nhưng vẫn là mẹ kế/ Không thể nào xoa hết nỗi con đau!”

Không thanh minh với miệng lưỡi thế gian, nhân vật thơ chấp nhận: “Người đời phán xử đến đâu/ Dì xin nhận về mình đến đó”. Bởi chỉ “trái tim con mới rõ/ Dì có là bánh đúc có xương?” Dì tin rằng tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim của mình sẽ đến được trái tim của Tấm, dì hiểu Tấm luôn là đứa thảo hiền trọng tình, trọng nghĩa.

Viết một câu chuyện cổ tích vốn đã khó. Làm mới lại để được mọi người chấp nhận càng chẳng dễ chút nào. Bởi vậy, hẳn sẽ có những độc giả không đồng tình với sáng tạo của nhà thơ: Một câu chuyện đã in sâu vào tâm trí của bao lớp người đọc với những nhân vật có tính cách sắc nét như thế, giờ tác giả xoay 180 độ lại, biến không thành có, biến có thành không như vậy liệu có ổn không?

Tôi cho rằng, cách triển khai câu chuyện qua hình thức một bài thơ, với tâm niệm hướng con người tới điều thiện, điều tốt lành thì có thể chấp nhận được. Phạm Hồng Oanh mong làm mới câu chuyện cổ trong hình hài một thi phẩm có cấu tứ mới lạ, độc đáo, đầy tính nhân văn và ấm áp tình người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.