Cô Thủy của học trò vùng cao Việt Bắc

GD&TĐ - Cô Phạm Thu Thủy - Giáo viên môn Địa lý của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là tấm gương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh. Cô cũng vinh dự là 1 trong 183 giáo viên tiêu biểu năm 2019 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh. 

Cô Thủy của học trò vùng cao Việt Bắc

Tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo

Cô Thủy chia sẻ: Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm trường. Ngay từ những năm đầu mới thành lập, ngày 13/3/1960, Bác đã về thăm trường và các cháu thiếu nhi rẻo cao Việt Bắc. Bác căn dặn các thầy giáo, cô giáo và cán bộ nhà trường khi ấy: “Phải chăm sóc giáo dục các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị của các cháu”.

“Chính vì vậy, trong suốt quá trình giảng dạy, tôi luôn ghi nhớ lời căn dặn của Người để phấn đấu, rèn luyện, làm tốt công tác giảng dạy; đồng thời luôn mẫu mực, noi gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” – cô Thủy cho hay.

Cô giáo Phạm Thu Thủy với các học sinh người dân tộc thiểu số
 Cô giáo Phạm Thu Thủy với các học sinh người dân tộc thiểu số

Trong hơn 5 năm, kể từ khi Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI được ban hành, ngày 4/11/2013, toàn ngành thi đua đổi mới, sáng tạo thực hiện Nghị quyết. Như các nhà giáo khác trong tập thể sư phạm, cô Thủy đã tích cực đổi mới PPDH theo hướng phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh.

Với nhận thức, đổi mới PPDH là vận dụng các PPDH theo hướng phát huy các yếu tố tích cực, những ưu điểm của các PPDH truyền thống và các PPDH hiện đại; trong quá trình dạy học, cô đã chủ động nghiên cứu, học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp để tìm ra PPDH tối ưu nhất. “Có những bài khó hoặc triển khai chuyên đề trọng tâm, tôi luôn chủ động nghiên cứu và đề xuất, trao đổi PPDH trong tổ chuyên môn để được thống nhất ý kiến về phương án giảng dạy hiệu quả nhất cho bài học, chuyên đề giảng dạy” - cô Thủy cho biết.

Học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số nên công tác dạy học gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cô Phạm Thu Thủy luôn tận tình tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, tìm hiểu đặc điểm, tính cách của từng em để từng bước tiếp cận, gần gũi nhắc nhở, bảo ban, hướng dẫn các em thích nghi với môi trường học tập mới; từ đó phát huy những điểm tốt, biểu dương khen thưởng kịp thời, giúp các em tiến bộ…

Những sáng kiến, đề xuất phương pháp giảng dạy của cô Thủy đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường với 100% học sinh đạt học lực khá, giỏi. Với môn Địa lý, hằng năm có từ 30 – 40% học sinh nhà trường lựa chọn môn Địa lý là môn thi thành phần thi THPT quốc gia hoặc chọn chuyên ngành có xét tuyển môn Địa lý để đăng ký xét tuyển.

Bề dày thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi

Trong công tác bồi dưỡng HSG, nhờ có PPDH tốt và nhiệt huyết với nghề, tận tâm với trò, cô Phạm Thu Thủy đã có thành tựu rất đáng tự hào. Trong 5 năm gần đây, học sinh được cô Thủy bồi dưỡng đã có 11 em đạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia các môn văn hóa THPT; trong đó 2 giải Nhất, 5 giải Nhì. Riêng năm học 2018 - 2019, đội tuyển Địa lý do cô Thủy bồi dưỡng đã có 6 em đạt danh hiệu HSG quốc gia; 10 em đạt danh hiệu HSG tỉnh, 3 em đạt danh hiệu HSG trong Kỳ thi HSG các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ.

Cô giáo Phạm Thu Thủy
 Cô giáo Phạm Thu Thủy 

Theo quan điểm của cô Phạm Thu Thủy trong việc phát hiện, bồi dưỡng HSG: Học sinh có năng khiếu nổi trội phải được sàng lọc, phát hiện và bồi dưỡng ngay từ đầu vào lớp 10. Tiếp đó, các em được nhà trường đặc biệt quan tâm về thời gian biểu học và được giáo viên theo sát. Sau phân loại từ đầu vào, học sinh được đăng kí và thi vào các lớp chuyên theo năng lực của mình. Các em sẽ được thử lửa qua các cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh. Những hạt nhân có thành tích tốt sẽ được cô Thủy và các tổ bộ môn khác tiếp tục bồi dưỡng để có thành tích tốt hơn ở các kỳ thi với các trường THPT chuyên trong khu vực và thi quốc gia…

Với những nỗ lực của mình đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” những năm qua, cô Thủy đã 2 lần được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, nhiều bằng khen, giấy khen của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp, vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và là một trong 183 giáo viên tiêu biểu năm 2019 được Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ