Có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV

GD&TĐ - Công bố mới đây về việc thêm một bệnh nhân loại bỏ được hoàn toàn virus HIV trong cơ thể bằng phương pháp ghép tế bào gốc, mang đến hy vọng cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh này. Trên thực tế, người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường nếu được điều trị tích cực.

Khám và cấp thuốc ARV cho bệnh nhân HIV
Khám và cấp thuốc ARV cho bệnh nhân HIV

Thêm cơ hội

Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), một bệnh nhân nam ở London (Anh) được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003 và từ 2012 được điều trị ARV đã khỏi bệnh. Vào năm 2016, bệnh nhân này được ghép tủy và vẫn tiếp tục sử dụng thuốc ARV thêm một năm sau đó. Trong suốt 18 tháng sau khi được ghép tủy, bệnh nhân đã dừng thuốc và thường xuyên kiểm tra. Kết quả kiểm tra xác định, hiện tại không phát hiện được virus HIV trong cơ thể bệnh nhân đó nữa. Phương pháp cấy ghép tế bào gốc thực tế trước đó được điều trị cho bệnh nhân ung thư và không phải áp dụng điều trị cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây cũng là một hướng đi để các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị HIV trong tương lai. Tin vui này mới được công bố và trình bày tại hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Seattle (Mỹ). Nghiên cứu được thực hiện bởi bốn trường đại học UCL, Imperial, Oxford và Cambridge (Anh).

Trở lại 10 năm về trước tại Berlin (Đức), một người Mỹ tên Timothy Ray Brown cũng đã được chữa khỏi bệnh HIV nhờ phương thức điều trị sau hai lần cấy ghép tế bào gốc và xạ trị bệnh bạch cầu. Hai thành công này là kết quả của cấy ghép tủy xương cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, biện pháp cấy ghép như vậy cũng không phải lúc nào cũng thành công và áp dụng chữa trị cho số đông người bệnh. Thành công bất ngờ với 2 trường hợp chữa khỏi HIV trên đã chứng minh rằng dù còn khó khăn nhưng vẫn có thể chữa trị khỏi HIV.

Người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc ARV cả đời
  • Người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc ARV cả đời

Được quan tâm điều trị

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV. Cụ thể, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 5.600 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2019; 7.300 người có hành vi nguy cơ cao vào năm 2020. Trong năm 2019, Bộ Y tế tiến hành triển khai cung cấp PrEP tại 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019. 90% trong tổng số 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ nguồn BHYT. Đến tháng 1/2019, BHYT đã được sử dụng để chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV. Trong thời gian 2 - 3 năm tới, bảo hiểm sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia BHYT. 

“Nhà nước có những chính sách tích cực trong vấn đề hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân HIV. Với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị, chúng ta đang chuyển đổi việc điều trị phòng bệnh chuyên biệt cho những người nhiễm HIV bằng điều trị ngoại trú lồng ghép vào hệ thống y tế sẵn có. Người bệnh sẽ được điều trị tại bệnh viện và thông qua thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế. Chính phủ đã có Quyết định 2188 QĐ/TTg giao cho các tỉnh, thành phố phải đảm bảo 100% việc điều trị thuốc cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Các chính sách của Nhà nước đã ủng hộ tuyệt đối với quá trình điều trị của người bệnh cũng như trong việc chi trả, người bệnh vẫn được nhận thuốc ARV miễn phí”, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, việc khám chữa bệnh thông qua thẻ bảo hiểm y tế đã mang tới những ưu việt trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do đặc thù của những đối tượng này không sống ổn định nên khi đăng ký thẻ bảo hiểm y tế họ vẫn phải trở về nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú, đó cũng là một khó khăn. Mặt khác, nhiều người nhiễm HIV cũng vẫn sợ lộ danh tính khi phải đăng ký thẻ bảo hiểm y tế để chữa bệnh. Vì vậy, những người nhiễm HIV cũng không nên lo lắng, vì điều này đã được quy định rất rõ trong vấn đề bảo mật thông tin cho người bệnh.

Về thông tin trên thế giới vừa có thêm một bệnh nhân loại bỏ hoàn toàn virus HIV trong cơ thể, ông Hoàng Đình Cảnh, chia sẻ: Về mặt lý thuyết với những nỗ lực của các nhà khoa học, các bệnh trong tương lai sẽ tìm ra thuốc chữa. Thông tin trên mới chỉ là tuyên bố mang tính chất riêng biệt của một tổ chức. Nên những công bố mới này chỉ là bước đầu và chúng ta vẫn phải đợi sự khuyến cáo từ các tổ chức lớn. Song, đây cũng là những hy vọng về việc điều trị của các bệnh nhân HIV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ