Hệ đào tạo phổ thông trung học nghề
Học tập văn hóa và đào tạo nghề song hành đang được xem là một giải pháp tốt cho nhiều học sinh tốt nghiệp THCS mà không thể thi vào trường THPT công lập. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Từ năm 2018 đến nay, mô hình đào tạo được phát triển, thu hút đông đảo học sinh sau tốt nghiệp lớp 9 tham gia. Các trường cao đẳng nghề cũng đã tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia học nghề theo mô hình 9+. Chương trình đào tạo được thiết kế tổng thể để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn đặt ra. Bảo đảm cho học sinh được học tập trung, chính quy, vừa học nghề, vừa học văn hóa.
“Một điểm mới đáng chú ý là năm nay nhiều trường đã mở các ngành cao đẳng, trung cấp ngoại ngữ như: tiếng Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức,… Các em học chương trình này, khi tốt nghiệp ra trường vừa có bằng cao đẳng nghề, thành thạo ngoại ngữ vừa có trình độ văn hóa THPT, như vậy còn ưu thế hơn trường THPT bình thường.” – Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, từ những điểm sửa đổi của Luật Giáo dục và đổi mới chính sách của Bộ LĐ-TB&XH, đã hình thành được một hệ đào tạo mới là Trung học phổ thông nghề. Nghĩa là, các học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn học tiếp THPT để theo con đường học tiếp vào đại học, đi vào lao động đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Còn nhóm thứ hai sẽ đi vào học THPT nghề để có thể tham gia sớm vào thị trường lao động, nhưng vẫn bảo đảm được tất cả các quyền lợi về học tập. Với những tín chỉ được đào tạo, các em vẫn có thể học tiếp lên trình độ cao hơn.
Trước đây, giáo dục nghề nghiệp thường quan tâm đến nhiều đối tượng khác, tuy nhiên hiện nay, định hướng mới là phát triển các mô hình 9+. Theo đó các em học sinh tốt nghiệp lớp 9 sẽ được vào thẳng các trường cao đẳng để tiếp tục học tập văn hóa kết hợp đào tạo nghề. Đây là một môi trường học tập rất tốt và phù hợp với đối tượng học sinh.
Không còn là con đường vòng
Tại Hà Nội, hiện nay các mô hình này cũng đang khá thành công. Năm 2019, thí điểm 36 trường cao đẳng nghề được giao luôn chỉ tiêu đào tạo văn hóa. Các trường đã tăng quy mô tuyển sinh từ lớp 9 vào đào tạo nghề. Đây là vấn đề mà trước đây các trường còn khá dè dặt, tuy nhiên khi chính sách được điều chỉnh, từ năm 2017 đến nay tỷ lệ phân luồng học sinh và mô hình 9+ cũng đã được cải thiện.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân |
Lấy ví dụ từ trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Những năm trước, nhà trường tuyển rất ít học sinh lớp 9, khi tuyển sinh thường liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo. Nhưng từ năm 2018 đến nay, tập trung tuyển sinh tới gần 700 học sinh. Việc học cao đẳng không còn như trước đây, giống như con đường vòng để học liên thông lên đại học. Trong giai đoạn mới, giáo dục nghề nghiệp là con đường gia nhập vào thị trường lao động nhanh nhất, có việc làm tốt và thu nhập ổn định.
Giáo dục nghề nghiệp đang tích cực giải quyết bài toán then chốt là hợp tác với doanh nghiệp, để cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực lao động có kỹ năng tay nghề cao. Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: Nhà trường và doanh nghiệp cùng bắt tay hợp tác với nhau để xác định nhu cầu, thiết kế chương trình đào tạo, tuyển sinh, giải quyết việc làm cho người học, tổ chức chương trình đào tạo song hành gắn đào tạo lý thuyết ở trường và thực hành tại doanh nghiệp. Khi đó, học sinh sinh viên ra trường với trình độ kỹ năng cao, các em sẽ có được việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, và nhà trường có khả năng thu hút học sinh, sinh viên.