Cơ sở vật chất có là rào cản khi thực hiện chương trình mới?

GD&TĐ - Có ý kiến lo ngại: Cơ sở vật chất trường lớp nhiều địa phương trên cả nước hiện còn nhiều khó khăn, nhưng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình mới là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu là 6 buổi/tuần, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học; lớp học phải đảm bảo bảo điều kiện kê bàn ghế theo nhóm…

Cơ sở vật chất có là rào cản khi thực hiện chương trình mới?

Đã tính đến điều kiện khả thi

Trước ý kiến này, TS Nguyễn Thị Chính (Trường ĐH Đồng Tháp) cho rằng: Vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề cập đến. Theo đó, chương trình mới được thực hiện trên cơ sở tổ chức lại cơ sở vật chất hiện có và bổ sung dần, từng thiết bị theo từng môn, từng năm chứ không phải ồ ạt. Bộ GD&ĐT đã tính đến các yếu tố khả thi về điều kiện thực hiện.

Cũng theo TS Chính, với danh mục các thiết bị tối thiểu ở các trường học hiện nay thì chỉ cần bổ sung thêm một số danh mục thiết bị nữa là hoàn toàn có thể thực hiện được chương trình mới.

Vấn đề xuống cấp các thiết bị dạy học là không thể tránh khỏi, do đó cho dù đổi mới hay không, chúng ta cũng cần phải tính đến việc nâng cấp và hoàn thiện các thiết bị dạy học. Tuy nhiên, sĩ số học sinh quá đông trong một lớp học là một trở ngại đối với giáo viên trong triển khai dạy học nói chung và dạy học tích cực phát triển năng lực của người học nói riêng.

Cũng bàn đến điều này, TS Cao Thị Sông Hương (Trường ĐH Đồng Tháp) cho rằng: Đối với giáo viên, việc tổ chức dạy học theo nhóm trong điều kiện sĩ số học sinh quá đông vẫn có thể thực hiện được, tuy nhiên chất lượng hoạt động nhóm sẽ không thể so sánh được với điều kiện sĩ số học sinh phù hợp. Đồng thời, tổ chức dạy học theo nhóm ở lớp quá đông học sinh, giáo viên sẽ chịu nhiều áp lực công hơn, vất vả hơn và giáo viên cần linh hoạt hơn trong việc vận dụng các lí thuyết dạy học theo nhóm.

“Thiết nghĩ, cần triển khai và quán triệt mạnh hơn nữa về quan điểm chỉ đạo của Trung ương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Vì vậy, một mặt quy hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục, một mặt tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục và thu hồi vốn đầu tư theo hình thức “trả chậm”” – TS Cao Thị Sông Hương cho hay.

Nếu ngại khó khăn mà không vượt qua để đổi mới thì chúng ta sẽ không thể chạm đến được nền giáo dục tiên tiến. Do đó, nhất thiết cần phải có thêm sự đầu tư, chung tay góp sức của toàn xã hội, cộng với sự quyết tâm đổi mới của các nhà quản lí giáo dục và giáo viên thì chương trình giáo dục mới hội đủ điều kiện để thành công

Không thể vì khó khăn mà không đổi mới

Liên quan đến điều kiện thực hiện hiệu quả chương trình mới với quy mô lớp ở tiểu học cao nhất 35 học sinh, TS Nguyễn Kim Búp (Trường ĐH Đồng Tháp) nêu quan điểm: Để đáp ứng mục tiêu cải cách giáo dục như Nghị quyết 29-NQ/TW, ngoài việc xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên triển khai được chương trình và sách giáo khoa mới thì cơ sở vật chất cũng là điều đáng quan tâm.

Để thực hiện chương trình giáo dục mới hiệu quả, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở vật chất của các trường học, cố gắng sĩ số lớp học giảm xuống dưới 35 học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường cần chủ động huy động mọi nguồn lực của xã hội để mua sắm trang thiết bị cho việc dạy học.

“Nhìn chung cơ sở vật chất và sĩ số học sinh quá đông trong mỗi lớp học có thể là khó khăn khách quan lớn nhất đối với việc triển khai chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học.

Tuy nhiên, nếu ngại khó khăn mà không vượt qua để đổi mới thì chúng ta sẽ không thể chạm đến được nền giáo dục tiên tiến. Do đó, nhất thiết cần phải có thêm sự đầu tư, chung tay góp sức của toàn xã hội cộng với sự quyết tâm đổi mới của các nhà quản lí giáo dục và giáo viên thì chương trình giáo dục mới hội đủ điều kiện để thành công” – TS Nguyễn Kim Búp chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.