Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thị Chính (Trường ĐH Đồng Tháp) cho rằng: Để đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu (lớp 1- 9) là giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn sau (lớp 10-12) là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.
Theo đó, chương trình các môn học cũng thay đổi về nội dung, cấu trúc cũng như phương pháp giảng dạy và cách đánh giá.
Xét về tổng thể, số môn học trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới có vẻ nhiều do có thêm nhiều môn học mới, bao gồm những môn học được đặt lại tên, các môn được tích hợp (Khoa học tự nhiên, xã hội) và môn học mới được bổ sung (hoạt động trải nghiệm sáng tạo). Tuy nhiên, nội dung đã được cấu trúc lại, giảm bớt các kiến thức khó, tích hợp và thay đổi phương pháp giảng dạy.
Hơn nữa, ở cấp THPT, học sinh chỉ học 5 môn bắt buộc (trước đây phải học hết 13 môn) và tự chọn 5 môn trong 3 nhóm tự chọn theo định hướng nghề nghiệp. Do đó, có thể nói chương trình mới có sự giảm tải so với chương trình hiện hành vì học sinh chỉ học những môn học cần thiết cho phát triển nghề nghiệp.
Mặt khác, khi triển khai thực hiện, các địa phương có thể chọn sách giáo khoa và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cũng như các chuyên đề phù hợp với thực tế từng địa phương. Điều này giúp học sinh dễ tiếp cận với nội dung môn học. Đây cũng được xem là một hình thức giảm tải.
Đồng quan điểm, theo TS Nguyễn Kim Búp (Trường ĐH Đồng Tháp), xu hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông của thế giới là xây dựng “nội dung phong phú và bổ ích”.
Phong phú ở đây là sự đòi hỏi phải đáp ứng được nhu cầu kiến thức cần được tiếp cận của người học theo nguyên tắc “giáo dục hướng tới đối tượng”; “dạy học lấy học sinh làm chính yếu”. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là cần phân định thật rõ ràng nhóm các môn học “công cụ” phải bắt buộc học, và nhóm các môn học tự chọn cho học sinh, mà điều này thì đã được thể hiện ở chương trình dự thảo.
Ý kiến của ThS Trần Thị Hiền (Trường ĐH Đồng Tháp): Điểm mới quan trọng nhất trong cách tiếp cận xây dựng chương trình là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực, mà phương thức chủ yếu là tích hợp đa môn trên cơ sở kiến thức từ hệ thống các môn học đã có từ trước nên không thể nói quá nhiều môn mới mà đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, vấn đề nằm ở nội dung chưa rõ ràng, phải hiểu tích hợp là gì?