Cơ sở đào tạo đại học 'chật vật' lấp đầy chỉ tiêu

GD&TĐ - Đến nay hầu hết cơ sở GD ĐH đã ổn định việc dạy - học tuy nhiên vẫn còn đơn vị chưa lấp đầy chỉ tiêu tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung.

Trường ĐH Hòa Bình dự kiến xét tuyển bổ sung đến tháng 12/2023. Ảnh: Website của trường
Trường ĐH Hòa Bình dự kiến xét tuyển bổ sung đến tháng 12/2023. Ảnh: Website của trường

“Chắt chiu” từng thí sinh

Sau 2 đợt xét tuyển bổ sung, Trường ĐH Bạc Liêu chưa thể lấp đầy chỉ tiêu. Phó Hiệu trưởng Tiền Hải Lý cho hay, nhà trường tiếp tục thông báo xét tuyển đợt 3, hệ đại học chính quy, với 224 chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 26/10. Dự kiến, đây là đợt tuyển sinh cuối của trường, sau đó “chốt” số liệu mùa tuyển sinh năm nay để hoàn thiện báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 31/12/2023.

Theo TS Tiền Hải Lý, một số ngành khó tuyển sinh gồm: Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường và lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng này diễn ra trong vài năm gần đây, dù cơ hội việc làm tốt.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ tháng 10 đến 12/2023, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, thời điểm này, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã bước vào năm học mới, khép lại mùa tuyển sinh năm 2023. Song, có trường “chật vật”, “chắt chiu” từng thí sinh và phải thông báo xét tuyển bổ sung thành nhiều đợt.

Tương tự, Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Tây Nguyên đã phát thông báo tuyển sinh chính quy đợt 3 năm 2023 cho 18 ngành, với hơn 350 chỉ tiêu. Trong đó nhiều nhất là ngành Khoa học cây trồng (55 chỉ tiêu), tiếp đến là Chăn nuôi (50 chỉ tiêu); Lâm sinh và Kinh tế phát triển, mỗi ngành tuyển bổ sung 45 sinh viên. Theo Đề án Tuyển sinh của Trường ĐH Tây Nguyên, đây cũng là đợt xét tuyển cuối cùng năm 2023.

Năm nay, Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) tuyển sinh hơn 1 nghìn chỉ tiêu. ThS Dương Văn Bá - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho hay, thời điểm này nhà trường mới tuyển sinh được 70% chỉ tiêu. Theo kế hoạch, trường sẽ kéo dài tuyển sinh đến tháng 12/2023, phấn đấu đạt đủ chỉ tiêu.

Mới đây, Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với các ngành: Điều dưỡng; Dược học; Công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị Dịch vụ du lịch & lữ hành; Quản lý văn hóa; Công tác xã hội, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán và ngành Giáo dục Mầm non (trình độ cao đẳng). Thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bưu điện về trường trước 17 giờ 00 ngày 25/10. Danh sách trúng tuyển sẽ công bố ngày 26/10. Thí sinh trúng tuyển đợt bổ sung 3 nhập học ngày 30/10.

Trường ĐH Tây Nguyên đón tân sinh viên đến xác nhận nhập học. Ảnh: Website của trường.

Trường ĐH Tây Nguyên đón tân sinh viên đến xác nhận nhập học. Ảnh: Website của trường.

Làm gì để hút người học?

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước nhưng kết quả tuyển sinh đạt thấp và phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, ngành của thí sinh, chiến lược tuyển sinh mỗi trường. Do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, cùng sự khác biệt trong quan niệm, nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành của thí sinh dịch chuyển mạnh những năm gần đây.

Nếu không nhận biết xu hướng và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh... thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định, nhiều nguyên nhân khiến một số trường chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Một số trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu và không có lợi thế về địa điểm, lĩnh vực đặc thù. Hầu hết ngành tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu là ngành hẹp, mới đào tạo thí điểm hoặc ngành truyền thống thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, khối ngành nông lâm - ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản số lượng người học ít; thị trường lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều. Từ thực tế này, PGS.TS Nguyễn Hữu Công kiến nghị, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành khó tuyển, nhất là ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, vì đó là ngành thiết yếu.

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh, có ngành khó thu hút tuyển sinh, nhất là khoa học cơ bản. Với những ngành này, Nhà nước có thể đầu tư nhiều hơn. Nếu nhìn ngắn hạn thì những ngành truyền thống, khoa học cơ bản chưa mang lại kết quả, lợi ích trước mắt nhưng hữu ích lâu dài; thậm chí là nòng cốt cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa bằng các chính sách đãi ngộ về học bổng, việc làm…

Cần có cơ chế “đặt hàng” và thêm chính sách hỗ trợ cho sinh viên học các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, GS.TS Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đề xuất. Thực tế, đa số sinh viên theo học lĩnh vực này xuất phát từ nông thôn, gia đình khó khăn.

Ngoài ra, nếu các em muốn học chương trình chất lượng cao phải đầu tư và tham gia thực hành, thực tập nhiều. “Do đó, nếu không có chính sách đặt hàng, để người học phải trả học phí nhiều cũng là rào cản để thu hút học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực truyền thống”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, nhiều ngành đào tạo truyền thống giữ vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người học nên ít nhiều tác động đến kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow, cung cấp cho Nga hàng chục tỷ USD để tái đầu tư cho quân đội.