Việc thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ được đổi mới theo hướng:
- Đổi mới cả nội dung, phương pháp đánh giá (kiểm tra, thi hết môn, thi lên lớp, thi tốt nghiệp). Chuyển từ đánh giá kiến thức mà người học nắm được sang đánh giá việc hình thành năng lực, phẩm chất của người học.
- Kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá định kì của người dạy với kết quả thi, đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của xã hội.
- Tách bạch đánh giá kết quả học tập của từng học sinh với đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, địa phương và cả nước.
- Giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng trong tuyển sinh theo hướng: Các trường lập phương án tuyển sinh của mình theo hướng dẫn, quy định, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, để các trường tăng thêm quyền chủ động và đảm bảo công tác tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc.
Đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá được coi là giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam là vì:
- Trong bối cảnh của Việt Nam, khi giáo dục nặng về ứng thí và tâm lí sính bằng cấp khá phổ biến trong xã hội thì công tác kiểm tra, thi, đánh giá có tác động hết sức mạnh mẽ đến việc dạy và học.
"Thi gì học nấy" nên đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá sẽ có tác động trở lại đến toàn bộ các yếu tố của quá trình dạy và học trong các nhà trường. Đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá không đòi hỏi tốn kém nhiều kinh phí.
- Hiện trạng công tác kiểm tra, thi, đánh giá của cả hệ thống nước ta còn có nhiều hạn chế, lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lí, sử dụng kết quả; coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, bài kiểm tra…; cách tổ chức còn nặng nề, tốn kém…
Do đó, để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất thiết phải thực hiện ngay việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và thi cử.