Những người thầy “thắp lửa” nhân văn

Những tấm lòng, tình yêu nghề của các thầy cô trên khắp cả nước một lần nữa khơi dậy giá trị nhân văn của ngành giáo dục 2017.

Những người thầy “thắp lửa” nhân văn

30 năm, 46 thầy giáo, 6 điểm trường

giáo dục 2017
Những đoạn đường lầy lội khi trời mưa. Ảnh: NVCC

Năm qua, 46 thầy giáo của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quê Phong, tỉnh Nghệ An) được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tháng 9 năm nay, câu chuyện của 46 thầy giáo còn nhận giải Ấn tượng VTV năm 2017.

Giống như bao thầy cô bám trụ cắm bản, những khó khăn, vất vả của các thầy không thể đo đếm được. Nhưng một trong những chi tiết khiến câu chuyện của các thầy trở nên đặc biệt, đó là suốt hơn 30 năm qua, chưa từng có một cô giáo nào được phân công công tác lên đây. 

Cách trung tâm thị trấn chỉ hơn 30km, nhưng để vào được trường phải đi mất cả ngày, qua những cung đường hiểm trở, cheo leo. Đây còn là ngôi trường biết đến với nhiều “không”: không đường ô tô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,…

giáo dục 2017
Các thầy ở một điểm lẻ của Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: NVCC

Ngoài chút thực phẩm tươi mang lên vào đầu tuần, các thầy chủ yếu ăn đồ khô, măng rừng, cá suối. Con suối chảy qua trường là nguồn nước duy nhất để các thầy tắm rửa, giặt giũ, vừa nấu cơm vừa làm nước uống.

Năm học 2017-2018, Trường tiểu học Tri lễ 4 có 29 lớp với 378 em học sinh và 46 giáo viên. Trường có 6 điểm lẻ nên mỗi điểm thường có 5-7 giáo viên thường xuyên.

Khó khăn không thể kể hết, nhưng tình yêu thương dành cho những học trò vùng cao đã giúp các thầy luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu nghề và đam mê cống hiến.

Thầy giáo “vào rẫy lấy em về”

giáo dục 2017
Bức ảnh được học trò chụp lại khi thầy Dậu đang thuyết phục Ksor quay trở lại lớp. Ảnh: NVCC

Câu chuyện của thầy giáo Ninh Văn Dậu (giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krong Pa, Gia Lai) được cộng đồng giáo dục quan tâm bắt đầu từ những dòng chia sẻ đầy xúc động của thầy Dậu trên Facebook cá nhân sau khi thuyết phục không thành công một cậu học trò lớp 12 kiên quyết nghỉ học để giúp gia đình làm rẫy.

“Vượt qua con đường rừng gần 20km để vào được cái rẫy nhà em, tận bên trong lòng hồ Ia HDreh. Thầy thấm mệt, bạn Tức cũng thấm mệt... nhưng cũng chưa là gì so với hình ảnh lấm lem trên khuôn mặt đen đúa của em - hình ảnh lấm láp ấy gọi dậy tuổi thơ dữ dội của thầy… Em không nói gì ngoài câu: “Em bỏ học thầy ạ!”…. Có lẽ nào thầy đã thất bại hoàn toàn?” – những dòng đầy trăn trở và tiếc nuối của thầy Dậu.

Thế nhưng, thầy giáo dạy Văn đã không bỏ cuộc. Những cuộc vượt đường rừng 20km để vào tận rẫy nhà cậu học trò Ksor cuối cùng đã có kết quả. Ksor quay trở lại lớp học trong sự vui mừng của thầy Dậu và bạn bè.

giáo dục 2017
Thầy Dậu đã thuyết phục thành công cậu học trò quay trở lại lớp học. Ảnh: NVCC

Ksor Gôl chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng mà thầy Dậu và các đồng nghiệp của thầy đang nỗ lực từng ngày để giữ các em ở lại. Trong thư động viên và khen ngợi mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ gửi thầy Dậu, Bộ trưởng cũng nhắc lại câu chuyện về một học trò người Ja Rai mà thầy đã thuyết phục thành công cách đó 4 năm hiện đang là giáo viên tiểu học, trở thành đồng nghiệp của thầy.

Tấm lòng, tình thương của thầy Dậu dành cho những học trò vùng khó của mình được ngành giáo dục ghi nhận và vinh danh là một trong những tấm gương tiêu biểu năm học 2016-2017.

Cô giáo dũng cảm phản bác hiệu trưởng

giáo dục 2017
Ảnh: Lê Văn
Trong câu chuyện buồn Nam Trung Yên gây xôn xao dư luận một thời gian, cô giáo Trần Thị Nhung – giáo viên chủ nhiệm của cháu Trần Chí Kiên, người bị ô tô chở cô hiệu trưởng đâm gãy chân – lại là một điểm sáng về tinh thần dũng cảm, dám nói lên sự thật dù sự thật đó đứng ở phía ngược lại với những gì mà lãnh đạo của mình đã nói ra.

Cô Nhung và các giáo viên khác của trường từng bị dư luận lên án, chỉ trích vì bao che cho cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Để bảo vệ cho chính mình và cũng để lên tiếng vì sự thật, cô Nhung đã dũng cảm khẳng định cô không hề tham gia và tư vấn thực hiện cuộc khảo sát nhằm lấy bằng chứng bảo vệ cho cô Hiệu trưởng.

Những chi tiết mà cô Nhung và các cô giáo khác cung cấp là một trong những thông tin giúp sự việc được sáng tỏ. Trước khi kết luận của cơ quan điều tra được đưa ra, cô Nhung từng chia sẻ: “"Nhân phẩm của giáo viên chúng tôi đang bị chà đạp. Chúng tôi không còn đủ tự tin để đứng trước phụ huynh nữa".

Dù là một giáo viên trẻ, không tránh khỏi những e dè khi đối mặt với lãnh đạo của mình nhưng cô Nhung đã có một quyết định “chết vinh còn hơn sống nhục” như lời cô nói.

“Thà cô chết chứ không để trò chết”

giáo dục 2017
Hai cô giáo (bìa trái và bìa phải) sau khi trận lũ kinh hoàng qua đi.Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong trận lũ quét kinh hoàng ở Phú Yên, 4 cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp đã kiên trì bám trụ trước dòng nước lũ lên tới hơn 1,5m để cứu sống 15 học sinh.

Trước tình thế nguy nan, các cô đưa học sinh đứng lên nóc tủ, bám vào bệ cửa sổ, ôm cổ cô. Nước lên đến đâu, các cô kê bàn ghế cao thêm đến đó. Có cháu đuối sức quá rơi xuống nước, cô lại ngụp lặn vớt bé lên. Cứ thế, 4 cô và 15 cháu cùng nhau bám trụ cho đến khi đội cứu hộ tiếp cận được.

Kể lại những giây phút kinh hoàng đã trải qua, các cô nói: “Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết”.

Hành động dũng cảm của cô đã được vinh danh ở hạng mục Sống đẹp của giải thưởng KOVA, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen và Thủ tướng gửi thư động viên, khen ngợi.

Thầy hiệu trưởng nuôi cậu bé tí hon

giáo dục 2017
Ảnh cắt từ clip của VTV

Thầy Đặng Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, Quảng Ngãi gặp cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể hồi cuối năm 2013 trong một lần đi vận động học sinh tới trường. Năm 2015, đến tuổi đi học nhưng vì thân hình quá bé nhỏ, cha mẹ K’Rể không dám cho em đi học. Được sự động viên của thầy Cương và lời hứa sẽ chăm lo cho em, K’Rể bước vào lớp 1.

Mắc hội chứng Seckel – hội chứng hiếm gặp trên thế giới, đến nay đã 9 tuổi, em mới cao 58 cm, nặng chưa đến 4 kg. Từ ngày đi học, mọi sinh hoạt của K’Rể từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… đều một tay thầy cáng đáng. Sau 2 năm được thầy chăm sóc, dạy dỗ, em đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Cuối năm 2016, thầy còn tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay ra Hà Nội đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh.

giáo dục 2017
Thầy Cương và các học trò. Ảnh: An ninh thế giới

Không chỉ có K’Rể, thầy Cương còn cùng ở, cùng sinh hoạt với 3 học sinh khác đến từ thôn Gò Da ngay tại phòng làm việc, kiêm nhà công vụ của thầy.

Không chỉ lặn lội vận động các em tới trường, năm 2009, thầy còn là người đề xuất với Phòng giáo dục đưa các em về ở nội trú tại trường để các em không bo học giữa chừng. Để thuyết phục phụ huynh, thầy còn hứa với họ sẽ nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà.

Cùng với sự đồng lòng của các thầy cô trong trường, thầy Cương đã đưa gần 40 học sinh về ở, tự xin cây gỗ về đục đẽo làm nhà ăn, rồi cùng nhau đóng bàn ghế. Những ngày đầu các em mới về trường, không được nhận khoản trợ cấp nào, nhưng thầy Cương đã động viên các thầy cô cùng nuôi học trò, bằng mọi giá không để học trò trở về làng.

Nói về nghề, thầy Cương tâm sự: “Nghề giáo đã cho tôi niềm vui, cho tôi lẽ sống và các em học sinh là động lực, là cảm hứng cho tôi trong công việc mỗi ngày".

Theo vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.