Cô nữ sinh đam mê trải nghiệm hơn 100 nền văn hóa

Cô nữ sinh đam mê trải nghiệm hơn 100 nền văn hóa

(GD&TĐ)-Nguyên là học sinh trường Chuyên ngữ, năm lớp 11 được nhận học bổng UWCs (United World Colleges) và từng học 2 năm chương trình IB (International Baccalaureate - Tú tài Quốc tế) tại UWC Pearson College ở Canada, Nguyễn Trâm Anh luôn để lại ấn tượng đặc biệt với người tiếp xúc không chỉ bởi gương mặt hiền, vô cùng dễ thương mà còn bởi những trải nghiệm vô cùng phong phú với hơn 100 nền văn hóa trên khắp thế giới.

Du học không phải con đường trải toàn hoa hồng

Nguyễn Trâm Anh - sinh viên khóa 2012-2016 - ĐH Princeton
Nguyễn Trâm Anh - sinh viên khóa 2012-2016 - ĐH Princeton

Nguyễn Trâm Anh tâm sự: Em may mắn vì đã tìm ra một cơ hội quý báu như học bổng UWC và em cũng rất may mắn khi có được gia đình, bạn bè và thầy cô ở trường Chuyên Ngữ hết lòng ủng hộ và giúp đỡ trong quá trình em nộp đơn xin học bổng. Nhưng em nghĩ bên cạnh sự may mắn đó, nỗ lực phấn đấu và ý chí của bản thân cũng rất quan trọng vì quá trình tuyển chọn rất khắt khe, đòi hỏi nhiều thời gian công sức trong khoảng thời gian mà như em nhớ là giữa lớp 11 khá bận rộn và em phải đảm bảo  việc chuẩn bị bộ hồ sơ không ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Hơn thế nữa, việc đi du học không phải là con đường trải toàn hoa hồng, không phải lúc nào cũng là những giây phút vui vẻ, thú vị mà cũng có những chông gai, những khó khăn khi em lần đầu tiên xa nhà, phải sống tự lập ở tuổi 17, khi những ngày lễ Tết chỉ có thể nói chuyện được nửa tiếng với bố mẹ, khi trong trường chỉ có duy nhất một bạn nữa là người Việt Nam để nói tiếng Việt và tâm sự nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, nhờ những khó khăn đấy mà em thấy bản thân mình trường thành hơn và mạnh mẽ hơn nhiều.
 
Qua hai năm học ở UWC, em đã tự rút ra được hai bài học quý giá làm hành trang cuộc đời mình. Điều đầu tiên là luôn cởi mở với những suy nghĩ, những tư tưởng khác. Em đã gặp rất nhiều bạn có cách sống và cách nghĩ khác với em nói riêng và người Việt Nam nói chung. Nếu em không học cách đón nhận sự khác biệt đó, em sẽ không thể tìm thấy những mối tương đồng và làm bạn với họ được. Điều thứ hai đó là đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Một trong những điều em sợ nhất là ngẫm lại quá khứ và nghĩ "Ước gì mình đã làm điều này..." hay tự hỏi "Nếu trước đây mình thực hiện điều này thì sẽ ra sao?". Bởi vậy mà em không ngại làm những việc mà mình chưa làm bao giờ như cùng đội của trường đi bộ 59 km, tham gia câu lạc bộ Dragonboating (chèo thuyền rồng) hay tham dự cuộc thi tranh luận, hùng biện. Và nhờ vậy mà em có được những kỷ niệm cũng như kinh nghiệm vô cùng quý báu.

các bạn cùng phòng em năm nay (Em đứng ở giữa, bên trái là một bạn người Canada, bạn bên phải đến từ Trinidad - Tobago và bạn đang bị bọn em nâng lên chính là bạn người Palestine em có nhắc đến trong phần trả lời phỏng vấn)
Trâm Anh và các bạn cùng phòng

Nhận được lời mời từ trường ĐH danh tiếng, kinh nghiệm của em là gì?

Nguyễn Trâm Anh: Em cố gắng giữ cân bằng giữa việc học trên lớp và các hoạt động ngoại khóa để mình có thể học thêm được các kinh nghiệm sống nhưng không bị ảnh hưởng đến kết quả học tập. Khi viết các bài luận xin học ở trường Princeton, em cố gắng thể hiện con người thật của em. Bởi vậy em viết một bài luận kể về chị bạn cùng phòng người Cameroon của mình và một bài luận kể về tuần đi xe đạp dã ngoại, cả hai đều là về những trải nghiệm cá nhân chứ không phải về một chủ đề vĩ mô xa vời gì. Theo em, quá trình tuyển chọn ở những trường đại học là một quá trình hai chiều, không những mình là học sinh muốn vào học ở trường mà trường cũng cần đến mình nữa nếu mình thực sự phù hợp với trường. Hãy để cho trường chấp nhận con người thật của mình thể hiện qua bộ hồ sơ thì khi mình vào học mới hòa nhập được và sống mới thoải mái không phải gượng gạo, giả dối. Cũng vì điều đó, em thấy việc chọn trường vô cùng quan trọng để tìm được một nơi thực sự phù hợp chứ không chỉ vì danh tiếng hay hình thức để sống trong bốn năm liền.
 
Theo em, các bạn trẻ Việt Nam thường gặp khó khăn gì trên con đường chinh phục giấc mơ du học? Lời khuyên cho các bạn đó là gì?

Nguyễn Trâm Anh: Em nghĩ phần lớn các bạn trẻ Việt Nam muốn đi du học thường gặp khó khăn về mặt tài chính vì chi phí ăn học ở bên nước ngoài rất tốn kém. Ví dụ, theo em biết ở trường Princeton, tổng chi phí học tập và sinh hoạt lên đến gần $57000 một năm và ở các trường rẻ nhất ở Mỹ cũng không ít hơn $20000 - $ 30000. Do đó, việc xin được học bổng hay hỗ trợ tài chính ở các trường là điều vô cùng quan trọng, quyết định khả năng nhiều bạn trẻ Việt Nam có đi du học được hay không. Bởi vậy các bạn có ý định đi du học nên đến các diễn đàn tư vấn du học như VietAbroader để tìm hiểu thông tin về các học bổng cũng như học hỏi các anh chị đi trước về cách nộp hồ sơ như thế nào để xin được hỗ trợ tài chính tốt nhất. Bản thân em đã nhờ VietAbroader mà tìm thấy học bổng UWC và cũng nhờ những bài viết ở trên diễn đàn này mà có được những kiến thức cơ bản để nộp hồ sơ xin du học Mỹ.

học sinh trong trường đến trước tòa nhà chính phủ của thành phố Victoria giương cờ để quảng bá hình ảnh trường cũng như ủng hộ hòa bình thế giới (em đứng ở đầu cuối bên trái của hàng thứ ba từ dưới lên; cũng đứng sau cờ Việt Nam ở đầu bên kia là chị Trần Phương Thảo người Huế, là học sinh Việt Nam duy nhất ngoài em ra ở trường UWC Pearson).
Trâm Anh và các bạn cùng trường trước tòa nhà chính phủ của thành phố Victoria giương cờ để quảng bá hình ảnh trường cũng như ủng hộ hòa bình thế giới (Trâm Anh đứng cuối bên trái hàng thứ ba từ dưới lên)

Với bản thân, em đã định liệu trước những khó khăn mình gặp phải khi sang du học tại Mỹ?

Nguyễn Trâm Anh: Em nghĩ môi trường đại học Mỹ mà em sắp sửa sang sẽ rất khác so với trường ở Canada mà em đã quen sống trong hai năm vừa qua. Vì vậy, một trong những khó khăn em nghĩ mình sẽ gặp phải là việc hòa nhập và làm quen với trường mới, bạn bè mới và hệ thống giáo dục mới. Bên cạnh đó, em cũng cần chú ý phân biệt giữa việc nâng niu những kỷ niệm đẹp và những tình cảm, gắn bó với trường cũ với việc để những ký ức đó chiếm giữ tâm trí, tự cản trở bản thân mình sống và tận dụng những cơ hội ở hiện tại.

Không cần phải ra nước ngoài mới tìm thấy cơ hội được trải nghiệm

Được trải nghiệm rất nhiều nền văn hóa khác nhau, theo em đó có phải là may mắn? Em học được nhiều nhất từ những trải nghiệm này là gì?
 
Nguyễn Trâm Anh: Hai năm học tại trường UWC Pearson đã cho em cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau và có những kỷ niệm thú vị. Ở trường em có 160 học sinh, chỉ khoảng 20% trong số đó là người Canada, còn lại các bạn đến từ hơn 100 quốc  gia trên thế giới. Chúng em một năm có rất nhiều hoạt động trao đổi văn hóa như các Regional Days (tạm dịch là các Ngày khu vực) như European Regional Day (Ngày Châu Âu), Latin-American Regional Day (Ngày Mĩ-Latin), Afro-Caribean Regional Days (Ngày Châu Phi-Caribê),… khi mà các bạn ở các vùng đó làm những workshops giới thiệu về văn hóa vùng mình và đất nước mình cùng với một show diễn thể hiện những bài thơ, bài hát, điệu múa đặc trưng của khu vực đó (điều đặc biệt là không chỉ những bạn ở vùng đấy biểu diễn mà các điệu múa thường được dạy cho bất kỳ bạn nào ở trường muốn học trong một tuần trước đó và đến hôm đó các bạn đều cùng biểu diễn. Nhờ vậy mà em được học điệu múa Mexico, Ukraina, điệu Swing, Tango, điệu nhảy Ấn Độ,... )

Thêm nữa, trường em cũng có nhiều hoạt động trao đổi kiến thức, thông tin về các sự kiện, xu hướng, vấn đề trên thế giới như các buổi International Affairs (Sự kiện thế giới) hàng tháng  hay những ngày Special Topic (Chủ đề đặc biệt) khi mà bọn em được dự những bài thuyết trình về các mảng Môi trường, Tôn giáo, Chính trị, Kinh tế  từ các chuyên gia được mời về và nhiều khi từ những bạn học sinh đến từ chính đất nước đang đương đầu với vấn đề đó. Ví dụ như một bạn học sinh người Nhật đã thuyết trình về nạn săn bắt cá voi phổ biến ở Nhật, hay một bạn người Ai Cập và một bạn Nam Sudan nói về tầm quan trọng và những vấn đề xung quanh dòng sông Nile,...).

đội múa Ukraina của trường em (Em đứng ở hàng trên cùng, là người thứ hai từ trái sang)
Trâm Anh trong đội múa Ukraina của trường (đứng ở hàng trên cùng, người thứ hai từ trái sang)

Nhưng trên hết, những kiến thức về các vùng đất khác em tiếp thu được lại chính từ những sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.  Ngày đầu tiên bước đến trường em đã nhận ra có sự khác nhau trong cách chào hỏi ở từng nền văn hóa. Các bạn đến từ một số nước châu Âu như Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các bạn đến từ các nước Mỹ-Latinh khi chào thường thơm lên má phụ nữ. Còn các bạn đến từ các nước Trung Đông như Palestine, Jordan  theo truyền  thống hai người đàn ông khi gặp nhau phải thơm lên hai má ba cái. Em còn được nghe chuyện của một anh người Ai Cập suốt mười bảy năm trước khi đến trường không có bất kỳ tiếp xúc gì với phụ nữ vì tục lệ vùng anh ấy sống hay chuyện của một chị người Swaziland học sinh của trường suýt bị kết nạp làm phi thiếp của vua Swaziland nếu không nhận được học bổng đi du học . Em may mắn được ở chung phòng với một bạn người Palestine và nhờ đó biết thêm được một chút về Hồi giáo. Đối với bạn ấy cái khăn che đầu (hijab) rất quan trọng và bạn ấy tuyệt đối không thể để bạn khác giới nhìn thấy bạn ấy không che đầu. Bởi vậy khi em về phòng cùng đám bạn, trong đó có bạn trai em thường phải gõ cửa trước khi vào để xem bạn ấy đang có khăn che đầu hay không. Em cũng biết được các bạn đạo Hồi thường có những ngày nhịn ăn cho đến khi mặt trời lặn và có những giờ nhất định trong ngày khi các bạn ấy cầu nguyện. Thỉnh thoảng khi rảnh rỗi, em và bạn ấy cũng trao đổi về tình hình giữa Palestine và Israel và về việc chỉ vì một nhóm người sinh sự mà người Trung Đông và đạo Hồi bị gán ghép hình ảnh khủng bố và nhiều khi bị phân biệt đối xử.
 
Một số bạn trẻ Việt Nam hiện nay đã tự biết tạo ra cho mình cơ hội để được trải nghiệm, nhưng dường như số đó còn ít ỏi, phải chăng đây cũng là một lý do khiến giới trẻ Việt Nam hạn chế về kỹ năng sống?

Nguyễn Trâm Anh: Quả thực chương trình học hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết và ít tạo được cơ hội cho các bạn trẻ rèn luyện những kỹ năng sống. Tuy nhiên các bạn không cần phải ra nước ngoài mới tìm thấy những cơ hội này. Em thấy hiện nay ở các trường trung học và đại học có rất nhiều các câu lạc bộ hoạt động, tình nguyện bổ ích giúp các bạn trẻ học được những kỹ năng mềm. Giả sử như ở trường Chuyên Ngữ nơi em từng học cấp ba, em đã học hỏi được rất nhiều thông qua việc tham gia câu lạc bộ tình nguyện của trường CNNShine, tham gia chương trình định hướng 10+ hay làm thành viên của Ban chấp hành Đoàn trường. Bên cạnh đó, ngoài khuôn viên trường học cũng có rất nhiều các hoạt động, tổ chức lý thú ví dụ như Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam. Em được tham gia Diễn đàn năm ngoái với tư cách thành viên và năm nay ở trong ban tổ chức và em thấy đây là một sân chơi bổ ích không chỉ rèn luyện cho các bạn trẻ các kỹ năng mềm như tư duy phê phán, thuyết trình, làm việc nhóm, tạo lập dự án… mà còn tạo điều kiện cho các bạn trẻ trên khắp các tỉnh thành, vùng miền cả nước gặp gỡ và trao đổi những sự kiện, những vấn đề bức xúc trong xã hội và cùng tìm ra phương hướng giải pháp của giới trẻ. Tóm lại theo em, có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam rèn luyện kỹ năng sống và điều thiết yếu là các bạn có muốn có được những kỹ năng đó hay không và có chịu tìm tòi, nắm bắt những cơ hội ấy không.

Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam hè 2011 năm ngoái. (Em ngồi ở hàng đầu tiên, là người thứ hai từ trái sang)
Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam hè 2011 (ngồi hàng đầu tiên, người thứ hai từ trái sang)

Du học tại Princeton, em sẽ làm gì để đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè 5 châu?

Nguyễn Trâm Anh: Cũng giống như  khi đại diện cho Việt Nam ở trường UWC, em sẽ cố gắng giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế bằng việc nấu các món ăn Việt Nam cho các bạn, kể chuyện ở Việt Nam cho các bạn nghe, cho các bạn xem ảnh các danh lam thắng cảnh Việt Nam hay dạy các bạn múa nón Việt Nam.
 
Hoàn thành chương trình du học em có muốn quay về nước làm việc?

Nguyễn Trâm Anh: Tất nhiên là nếu có điều kiện và cơ hội, em muốn quay về nước làm việc vì gia đình em vẫn sống ở đây và đây cũng là nơi em đã lớn lên và gắn bó.
 

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ