Có nên tập thể dục sau tiêm vắc xin Covid-19 hoặc tiêm phòng cúm?

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Iowa (Mỹ) đã nghiên cứu tác động của việc tập thể dục ngay lập tức đối với những người sau khi tiêm chủng ngừa Covid-19 hoặc vắc xin cúm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghiên cứu tại Đại học bang Iowa (Mỹ) được đăng trên tạp chí "Não bộ, Hành vi và Miễn dịch" cho thấy, kháng thể sinh ra nhiều hơn ở những người tập đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ nhanh, cũng như những người chạy bộ bằng máy chạy trong 1,5 giờ sau khi tiêm.

Kháng thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể "tìm kiếm và phá hủy" các loại virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Trong khi đó, vắc xin giúp hệ miễn dịch học cách nhận dạng một số vật thể lạ và phản ứng bằng cách tăng sự bảo vệ của cơ thể, trong đó có tăng kháng thể.

Giáo sư Marian Kohut, tác giả dẫn dắt nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Iowa cho biết: "Nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên xác nhận về khoảng thời gian có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể có từ vắc xin của Pfizer/BioNTech và hai loại vắc xin phòng cúm".

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện trên có thể trực tiếp có lợi cho những người chăm luyện tập. Một nửa người tham gia nghiên cứu có chỉ số BMI ở mức nặng cân hoặc béo phì.

Trong 90 phút tập luyện, họ tập trung vào duy trì nhịp độ vận động để giữ tim ở mức 120-140 nhịp/phút, hơn là tăng khoảng cách. Các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm xem liệu người tham gia có thể tăng kháng thể tương tự nếu chỉ luyện tập 45 phút hay không và phát hiện rằng luyện tập trong thời gian ngắn hơn không giúp tăng lượng kháng thể.

Theo Giáo sư Kohut, nghiên cứu tiếp theo nhóm sẽ thử nghiệm xem liệu bài tập 60 phút có đủ để tạo kháng thể hay không.

Giải thích về cơ chế giúp tăng kháng thể nhờ luyện tập, giáo sư Kohut cho biết có nhiều lý do. Vận động giúp tăng lưu thông máu và bạch cầu, giúp tế bào miễn dịch được lưu thông. Khi các tế bào này di chuyển khắp cơ thể, chúng sẽ có nhiều khả năng phát hiện bất cứ "vật thể lạ" nào.

Dữ liệu thử nghiệm trên chuột cũng cho thấy một loại protein (như interferon alpha) được sản sinh ra trong quá trình luyện tập giúp sinh tế bào T và kháng thể chống virus.

Tuy nhiên, giáo sư Kohut cho rằng vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra câu trả lời tại sao và như thế nào cho hiện tượng trên.

Giáo sư cũng lưu ý rằng, có nhiều thay đổi diễn ra khi chúng ta tập luyện - trao đổi chất, hóa sinh, nội tiết và hormon, tuần hoàn máu. Vì vậy cũng có thể có sự kết hợp của nhiều nhân tố góp phần vào việc sinh kháng thể trong nghiên cứu trên.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi phản ứng sinh kháng thể của những người tham gia trong 6 tháng sau khi tiêm và khởi động một nghiên cứu khác tập trung vào hiệu quả của việc luyện tập thể dục ở những người tiêm mũi tăng cường.

Theo thehill.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ