Có nên tăng tỷ lệ giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia?

GD&TĐ - Theo quy định tại Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 50% số thí sinh dự thi.

Ảnh minh hoạ/ INT
Ảnh minh hoạ/ INT

Trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Nhiều địa phương, nhà trường mong muốn nâng tỷ lệ này để khích lệ học sinh, đẩy mạnh phong trào thi học sinh giỏi.

Thi chọn học sinh giỏi quốc gia: 6.000 chọn 1

Theo thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai), quy định tổng số giải không vượt quá 50% là thấp và chưa tạo được động lực khuyến khích các em tham gia sân chơi học sinh giỏi cấp quốc gia. Hiện nay, tham gia thi chọn đội tuyển và thi học sinh giỏi cấp quốc gia có tính cạnh tranh rất cao.

Việc ôn luyện bồi dưỡng cũng là một quá trình đòi hỏi học sinh, giáo viên kiên trì, nỗ lực bền bỉ không ngừng trong thời gian dài, có thể từ cấp THCS (vì nhiều học sinh lớp 10 đã tham gia và có giải). Mỗi tỉnh có 1 đội/môn thi trung bình từ 6 - 8 em (trừ tỉnh có các trường ĐH có khối chuyên riêng).

Như vậy, cả nước mỗi môn thi có khoảng 450 em. Đây là những cá nhân xuất sắc được các địa phương lựa chọn từ hơn 3 triệu học sinh THPT/cả nước. Đồng nghĩa, trung bình 6.000 học sinh mới chọn được một em dự thi. Tuy nhiên, việc quy định chỉ có 50% đạt giải, 50% còn lại không đạt rất thiệt thòi, không được ghi nhận, mặc dù so với mặt bằng chung đây là những học sinh xuất sắc. Hơn nữa, phổ điểm chênh lệch giữa học sinh đạt và không đạt giải mong manh, không có sự phân biệt về kiến thức mà chỉ mang tính xếp loại về số học (ví dụ 12,1 đạt giải; 12,0 không đạt giải).

Vì vậy, thầy Ngô Thanh Xuân đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh nâng tỷ lệ giải học sinh đạt giải lên 60% nhằm khuyến khích tham gia phong trào thi học sinh giỏi. Nhiều học sinh hiện nay thay vì chọn vào đội tuyển quốc gia đã chọn thi IELTS, thi đánh giá năng lực để làm hành trang xét tuyển vào đại học. Lý do, thi chứng chỉ ngoại ngữ và đánh giá năng lực là con đường nhẹ nhàng, đơn giản hơn so với thi học sinh giỏi quốc gia do không khống chế tỷ lệ.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, cho rằng, các em trong đội tuyển học rất vất vả, do đó tăng tỷ lệ đạt giải từ 50% lên 60% là cần thiết. Ông Đỗ Văn Lợi cũng đề xuất cụ thể về tỷ lệ từng giải, theo đó số giải Nhất không quá 5% tổng số giải; tỷ lệ này với giải Nhì là không quá 15%, với giải Ba và giải Khuyến khích là không quá 20%.

Bảng tổng hợp kết quả chung toàn quốc kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia từ năm 2013 - 2023. Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Bảng tổng hợp kết quả chung toàn quốc kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia từ năm 2013 - 2023. Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Khích lệ thí sinh dự thi

Thầy Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho rằng, tổng số học sinh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia là con số nhỏ so với tổng số thí sinh cả nước và có chất lượng tốt khi vào học đại học, nên việc ưu tiên các em rất xứng đáng. Thầy Toản đề nghị, tỷ lệ giải không chỉ tăng lên 60% mà thậm chí có thể 70% để thúc đẩy phong trào tốt hơn.

Tại Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, thầy Đinh Đoàn Long, Trường ĐH Y Dược, ĐHQG Hà Nội, cũng bày tỏ quan điểm gia tăng tỷ lệ giải lên 60% là phù hợp với quốc tế và cho biết thêm: Vùng giải Ba và Khuyến khích rất sát nhau, thậm chí chỉ khác nhau 1 phần nghìn tổng điểm.

Thầy trò đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VNU

Thầy trò đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VNU

Khẳng định chất lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, theo thầy Long, trước đây từng có thời điểm trường y không khuyến khích tuyển thẳng đối tượng này vì nhiều em sau khi vào trường học không tốt. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, với cải cách, đổi mới, học sinh giỏi quốc gia vào đại học học rất tốt, nên trường y muốn được gia tăng số tuyển thẳng vào trường.

Cũng có đánh giá tương tự, thầy Hồ Văn Phương, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, đã làm thống kê trong khoảng 3.000 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin của nhà trường trong vòng 5 năm. Số liệu cho thấy, trong số 4 nhóm học sinh (tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực và thi SAT, IELTS), nhóm học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng và xét tuyển thẳng có kết quả tốt hơn nhiều so với các hình thức khác.

“Tôi nghĩ rằng đây là minh chứng tốt cho xã hội. Bộ nên yêu cầu các trường ĐH có thống kê rõ ràng về kết quả, thành tích sau này của các em từng là học sinh giỏi. Theo tôi, sản phẩm từ kỳ thi chọn học sinh giỏi do Bộ GD&ĐT tổ chức không chỉ xét trên bình diện quốc tế mà ở trong nước cũng rất tốt”. Nêu điều này, thầy Hồ Văn Phương đồng thời mong muốn gia tăng số lượng thí sinh trong các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, chỉ xếp giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), theo từng môn thi. Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp, để xếp giải. Tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi: Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 50% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Trên cơ sở phương án xếp giải do các tổ chấm thi đề xuất, Chủ tịch Hội đồng chấm thi và Thường trực Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia xây dựng phương án xếp giải, trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.