Đổi mới để nâng chất thi chọn học sinh giỏi quốc gia

GD&TĐ - Giáo dục mũi nhọn, đặc biệt công tác bồi dưỡng, tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của địa phương.

Giờ học Ngữ văn tại lớp 12E, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Giờ học Ngữ văn tại lớp 12E, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Với thuận lợi, khó khăn đặc thù, các nhà trường, địa phương đều cố gắng tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi chọn học sinh giỏi, góp phần phát hiện, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đi vào quy lát

Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia có lịch sử từ năm 1962, từ kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán và Văn lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) toàn miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, kỳ thi này được triển khai trên phạm vi toàn quốc và liên tục mở rộng với việc tăng số môn thi lên 12 như hiện nay.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: Những năm qua, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế được triển khai, tổ chức đúng quy chế, kế hoạch, tác động tích cực thúc đẩy quá trình dạy và học trong nhà trường, góp phần quan trọng làm nên kết quả chung của toàn ngành.

Theo thống kê, trung bình giai đoạn 2013 - 2023, Nghệ An là đơn vị có tỷ lệ đoạt giải cao nhất cả nước; trong đó có đóng góp chủ yếu của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Chia sẻ về kết quả công tác tuyển chọn, bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của nhà trường gần 50 năm qua, thầy Trần Văn Nga - Phó Hiệu trưởng - cho biết: Đến nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có hơn 1.300 lượt học sinh đoạt giải quốc gia. Trong đó có trên 100 giải Nhất, hơn 50 lượt học sinh dự thi Olympic quốc tế và khu vực, mang về hàng chục Huy chương Vàng, Bạc, Đồng.

Theo thầy Nga, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn nhận được chỉ đạo, quan tâm kịp thời của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tỉnh và Sở GD&ĐT Nghệ An. Tỉnh đã có những kế hoạch, chiến lược cụ thể, lâu dài, tuy còn nhiều khó khăn nhưng luôn chăm lo cho giáo dục nói chung, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu; sớm ban hành chính sách vĩ mô trong tuyển chọn, bồi dưỡng, khen thưởng và trọng dụng giáo viên, học sinh giỏi. Hằng năm, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đều tổ chức lễ tôn vinh học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia, đạt điểm cao Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào học tập trong toàn tỉnh.

“Bên cạnh truyền thống hiếu học, kết quả đạt được còn do Ban giám hiệu nhà trường luôn quyết liệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; tạo nguồn được chú trọng ngay từ những bước đầu. Việc tổ chức thi chọn đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia được thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Đội ngũ nhà giáo - một trong những yếu tố quyết định sự thành công được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú ý việc mua sắm và tu bổ cơ sở vật chất đầy đủ nhằm phục vụ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”, thầy Trần Văn Nga chia sẻ.

Tại Đồng Tháp, theo bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hàng năm, tỉnh có 56 thí sinh tham gia ở 9 môn thi. Trong 5 năm qua, kết quả đạt được khá ổn định, xếp trong top 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành tích cao nhất của địa phương là có thí sinh được chọn vào đội dự thi Olympic quốc tế, đạt Huy chương Đồng môn Toán năm 2018. Thành tích nổi trội hằng năm là môn Sinh học khi có trên 50% học sinh đoạt giải, nhiều năm có giải Nhì, được tham dự kỳ thi chọn đổi tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế. Do thành tích tốt nên đội tuyển môn Sinh học được tăng thêm 2 thí sinh so với các môn khác.

Chia sẻ về thuận lợi trong tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia, bà Nguyễn Thúy Hà nhắc đến quy định cụ thể của Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có những chính sách, chế độ để ưu đãi, động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia kỳ thi.

Các quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh giỏi cấp quốc gia, tỉnh trong tuyển sinh hàng năm khích lệ tinh thần phấn đấu học giỏi của học sinh, tinh thần nghiên cứu chuyên sâu, tích lũy kinh nghiệm để bồi dưỡng cho học sinh của thầy, cô giáo.

Thầy Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh và 5 học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2022 - 2023.

Thầy Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh và 5 học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2022 - 2023.

Nhận diện khó khăn

Bên cạnh những tỉnh/thành có truyền thống trong bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, một số nơi, thành tích lại thấp hơn hẳn (một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long). Khó khăn chung của những địa phương này là thiếu thầy giỏi, giáo viên đáp ứng được yêu cầu bồi dưỡng học sinh giỏi không nhiều; phụ huynh và học sinh không mặn mà với phong trào; chất lượng đầu vào trường THPT chuyên chưa cao; quyền lợi, sự đãi ngộ và tôn vinh với học sinh giỏi chưa thuyết phục…

Tại Đồng Tháp, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thúy Hà thẳng thắn cho biết: Với kết quả còn khiêm tốn, nên công tác tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của địa phương còn khó khăn. Hằng năm, tỉnh có từ 14 đến 19 giải, tỷ lệ khoảng 30% số thí sinh dự thi, cao nhất là giải Nhì, chưa có giải Nhất.

“Đội ngũ giáo viên Đồng Tháp có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia còn ít và hạn chế về năng lực. Hình thức thi học sinh giỏi quốc gia là tự luận, trong khi đó thi tốt nghiệp THPT là trắc nghiệm. Ở cấp THPT, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai thực hiện ở lớp 10 với quan điểm định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Theo đó việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh phải được thực hiện đồng bộ, phù hợp, khoa học với chương trình. Vì vậy, hình thức thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh cũng phải được nghiên cứu đổi mới”, bà Nguyễn Thúy Hà chia sẻ.

Với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, theo thầy Trần Văn Nga, khó khăn của trường trong công tác này là một bộ phận học sinh chưa xác định đúng mục tiêu lý tưởng; học sinh có năng lực nhưng thiếu khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức. Một số học sinh được định hướng đi du học hoặc xét tuyển vào đại học nên không hăng hái tham gia các cuộc thi học sinh giỏi.

Cùng đó, tuyển chọn giáo viên dạy chuyên còn khó khăn, một số bộ môn vẫn thiếu giáo viên có năng lực vượt trội để bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiệm vụ của giáo viên dạy chuyên đòi hỏi ngày càng cao, vừa tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa đảm bảo chất lượng đại trà và các hoạt động toàn diện nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự sắp xếp thời gian cho công việc. Điều kiện kinh tế, địa lý cách trở nên việc tham gia tập huấn với các chuyên gia của học sinh nhà trường còn nhiều khó khăn.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Trong 5 năm gần đây, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đoạt giải và số giải Nhất. Để có kết quả này, thầy Hà Huy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh, cho biết, Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo nhà trường trong thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức thi chọn, thành lập đội tuyển, tổ chức kỳ thi, kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển. Công tác chỉ đạo luôn bám sát văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, công tác tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Bắc Ninh luôn duy trì nghiêm túc, đúng quy chế, chọn được những học sinh xuất sắc.

“Tại Bắc Ninh, Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn liên thông xuyên suốt từ hệ thống các trường THCS trọng điểm trong tỉnh với trường THPT chuyên. Giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Ninh được cử về các trường THCS trọng điểm dạy chuyên đề nâng cao, đồng thời tìm kiếm, phát hiện sớm những nhân tố để bồi dưỡng, khuyến khích các em vào trường chuyên. Do đó, chất lượng tuyển sinh lớp 10 được nâng cao”, thầy Hà Huy Phương cho biết.

Ảnh minh hoạ/ INT

Ảnh minh hoạ/ INT

Với giải pháp được nhà trường triển khai, thầy Hà Huy Phương chia sẻ: Trường làm tốt công tác tuyên truyền trong học sinh, phụ huynh về quyền lợi, nghĩa vụ, ưu thế của người tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Về công tác quản lý, tiếp tục thực hiện giao việc phải có áp lực, tạo điều kiện thực hiện thật tốt để biến áp lực thành động lực. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình môn chuyên xuyên suốt từ lớp 10 - 12 theo từng giai đoạn, với mục tiêu phù hợp.

Có kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo cho học sinh đội tuyển có kiến thức vững vàng theo khối thi xét tuyển đại học để các em thật sự toàn tâm, toàn ý cho thi học sinh giỏi. Phân công nhiệm vụ không “mặt trận”, huy động sức mạnh tập thể nhưng đề cao sự phấn đấu và trách nhiệm cá nhân. Thực hiện nghiêm túc kỷ cương trong dạy - học.

“Cùng các giải pháp trên, nhà trường đồng thời chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, thảo luận, tự nghiên cứu và tạo không gian thuận lợi khích lệ học sinh tự học. Nâng cao chất lượng đội ngũ, kết hợp tự bồi dưỡng và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường giao lưu học tập. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khích lệ kịp thời kết quả đạt được”, thầy Hà Huy Phương cho hay.

Những địa phương thành tích học sinh giỏi cao cũng tương tự Bắc Ninh, luôn có giải pháp dài hơi, bài bản, đồng bộ trong tuyển chọn, bồi dưỡng. Các giải pháp được nhiều địa phương thực hiện là phát hiện sớm học sinh có tố chất; chọn cử giáo viên có năng lực tốt tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi; xây dựng chương trình bồi dưỡng chi tiết, chất lượng; huy động nguồn lực tổ chức bồi dưỡng cho đội tuyển; quan tâm cơ chế chính sách cho học sinh, giáo viên bồi dưỡng học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia… Thậm chí, có đơn vị xây dựng hẳn một đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học sinh giỏi, như Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM.

Cụ thể, Đề án nâng cao chất lượng đào tạo học sinh giỏi, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM giai đoạn 2023 - 2027 đặt mục tiêu cải tiến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi theo hướng tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, thù lao giảng dạy, tài liệu và quy chế để giáo viên, học sinh an tâm tham gia các kỳ thi học sinh giỏi.

Cùng đó, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên kế thừa; thu hút nhân tài đến công tác, giảng dạy các chuyên đề nâng cao tại trường; tăng cường hợp tác với chuyên gia ở địa phương khác hoặc các trường ĐH để giao lưu, học hỏi nhằm tích lũy thêm kiến thức; quan tâm kịp thời và khen thưởng xứng đáng cho giáo viên, học sinh tham gia thi học sinh giỏi và đoạt giải cao.

Mỗi nhóm mục tiêu cụ thể sẽ có nội dung, giải pháp thực hiện, chỉ tiêu, chỉ số để đo đếm và đánh giá mức độ hoàn thành. Hiệu quả của đề án cũng sẽ được đánh giá bằng kết quả cụ thể của công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi qua kết quả các cuộc thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật các cấp.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực đã góp phần quan trọng làm nên kết quả chung của toàn ngành. Trong các năm qua, công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế được triển khai, tổ chức đúng quy chế, kế hoạch, tác động tích cực thúc đẩy quá trình dạy và học trong các nhà trường, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ kích thích ý chí vươn lên đạt thành tích cao trong học tập rèn luyện và giáo dục nhân cách học sinh, tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện Đề án trường THPT chuyên, hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.