Tuy nhiên, để ngày càng chất lượng và lan tỏa hơn, công tác này cần bảo đảm hài hòa nhiều yếu tố từ nội dung đến hình thức.
Đẩy sớm thời gian thi
Bày tỏ hài lòng về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong thời gian qua, thầy Phan Văn Lĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) - nhìn nhận, công tác này cơ bản chuyển biến tích cực, phát huy tính sáng tạo, chủ động của thầy – trò các trường phổ thông trong đổi mới phương pháp dạy và học.
Tuy nhiên, theo thầy Lĩnh, để kỳ thi chọn học sinh giỏi đạt chất lượng cao nhất, nên chăng bổ sung lượng thanh tra, giám sát đến từ các cơ sở giáo dục đại học. Việc này sẽ giúp kỳ thi ngày càng minh bạch, khách quan và hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thầy Phan Văn Lĩnh kiến nghị, những năm tới kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cần tổ chức sớm hơn, vào tháng 12 hàng năm. Nếu tổ chức thi vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, gần với thời gian thi học kỳ II và Kỳ thi tốt nghiệp THPT; vô hình trung sẽ tạo áp lực thi cử cho học sinh và các thầy, cô giáo. Ngoài ra, việc tổ chức thi vào tháng 12 sẽ giúp những em được lựa chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế có nhiều thời gian ôn tập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tham gia “đấu trường trí tuệ” trong khu vực cũng như thế giới.
Đồng quan điểm, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - cho rằng, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vào tháng 12 hàng năm sẽ có nhiều ưu điểm. Thời điểm này, học sinh bước vào năm học được hơn 3 tháng nên xét về yếu tố tâm lý sẽ tốt hơn.
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các em đặt nhiều mục tiêu trong học tập, nỗ lực và quyết tâm cao nhất để chinh phục đỉnh cao trí tuệ. Vì thế, việc thi học sinh giỏi quốc gia vào tháng 12 có thể sẽ là “điểm rơi” tốt nhất để các em đạt thành tích như mong muốn. Thứ nữa, sau khi thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, những em lọt vào đội tuyển quốc tế sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam đề xuất, Bộ GD&ĐT cần cải tiến cách ra đề thi cần có sự tham gia của đại diện giáo viên các trường THPT trên cả nước, nhằm tăng tính thực tiễn và tránh đi vào lối mòn. Cùng với đó, nên có cơ chế thống nhất về khuyến học, khuyến tài chung trên toàn quốc.
Từ cơ chế này, các địa phương có thể xây dựng cơ chế riêng, đặc thù, phù hợp với thực tiễn. “Hiện nay, chưa có sự thống nhất chung trên cả nước nên mỗi địa phương có cách làm khác nhau” - ông Thái Viết Tường bày tỏ.
Cô Quảng Thị Kiệpvà đội tuyển thi học sinh giỏiquốc gia năm 2021. Ảnh: NVCC. |
Đổi mới lựa chọn học sinh giỏi
Ở góc nhìn khác, ông Bùi Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - cho rằng, cần có cơ chế phát triển hệ thống trường THPT chuyên theo hướng nâng cao chất lượng. Muốn vậy, cần chú trọng công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào. Đổi mới cơ chế, chính sách khuyến học, khuyến tài đối với học sinh giỏi, nhất là với học sinh đoạt giải tại các kỳ thi.
Đặc biệt, cần đổi mới công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ phía nhà trường. Theo đó, nhà trường cần chọn đúng và trúng những học sinh giỏi nhất, xứng đáng đại diện cho nhà trường để tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh, sau đó là cấp quốc gia.
Cũng theo ông Nhựt, cần tăng cường sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học vào công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Nếu được, các trường đại học có thể thống kê về chất lượng, thành tích học tập, kỹ năng xã hội của nhóm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ nghiên cứu, điều chỉnh về phương pháp bồi dưỡng, lựa chọn học sinh giỏi, bảo đảm hài hòa giữa kiến thức và kỹ năng xã hội, để các em thực sự là những học sinh giỏi toàn diện.
Với hơn 15 năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Quảng Thị Kiệp - Tổ trưởng Tổ Sinh học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) - cho rằng, đối với thi học sinh giỏi quốc gia vòng 1, không cần thiết phải có buổi thứ 3 thực hành với các môn: Sinh học, Vật lý, Hóa học, tránh lãnh phí và tốn kém.
Thực tế, hiện nay nhiều trường không đủ cơ sở vật chất để tổ chức cho học sinh thực hành tốt trong giảng dạy nên xuất phát điểm của các trường không đồng nhất. Với những trường lớn, được đầu tư bài bản thì đây là ưu thế và học sinh có thể giành trọn 2 điểm từ buổi thi thực hành. Vô hình trung tạo ra sự chênh lệch và không công bằng giữa các thí sinh.
Cũng theo cô Kiệp, riêng với môn Sinh học, đặc thù của bộ môn này có 8 - 9 phân môn rộng, đòi hỏi có kiến thức mới, thậm chí không được nhắc đến trong sách giáo khoa nên rất khó cho giáo viên và học sinh trong công tác ôn tập. Từ thực tế, cô Kiệp đề xuất, khung ma trận về nội dung kiến thức cần được công bố sớm để công tác ôn tập, bồi dưỡng đồng bộ hơn…
Theo cô Quảng Thị Kiệp, giáo viên tham gia soạn thảo đề thi phải có trình độ, chuyên môn vững vàng, để kiểm định cũng như định hướng kiến thức trọng tâm hợp lý. Cô Kiệp mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của địa phương về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi – những tài năng của quê hương, đất nước.