Kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy “lên ngôi”
Theo dự kiến về phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, được ĐH Kinh tế Quốc dân công bố ngày 4/1, nhà trường sẽ tuyển 6.100 sinh viên, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái, với 3 phương thức tuyển sinh như năm 2021 nhưng tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu biến động mạnh.
Theo đó, 2 phương thức - tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường - lấy 80-85%. Trong đó, chỉ tiêu cho nhóm thí sinh tham gia đánh giá năng lực của một trong hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM là khoảng 15 – 20%. Mức này cao hơn so với con số 10-15% dành cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 của trường này.
Tương tự như ĐH Kinh tế Quốc dân, trường ĐH Ngoại thương, Học viên Ngân hàng, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh trong nhiều phương thức xét tuyển.
Theo PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Những thí sinh đã trúng tuyển bằng kỳ thi này khi học tập tại ĐH Ngoại thương có chất lượng tốt. Vậy nên, nhà trường rất tin tưởng và sẽ gia tăng sử dụng kết quả này để tuyển sinh trong những năm tiếp theo.
Còn về kỳ thi đánh gia tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Là một đơn vị đào tạo chất lượng hàng đầu về khối ngành kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn có yêu cầu cao hơn đối với thí sinh đầu vào của trường, các em phải là những người có năng lực tốt để theo được quá trình học tập đầy áp lực tại đây”, ông Điền chia sẻ.
Có nên tập cho trẻ làm quensớm với thi đánh giá năng lực?
“Thực tế, trong kỳ thi Bebras được tổ chức vừa qua, đã có gần 10.000 học sinh từ lớp 1 – lớp 12 tham gia. Kỳ thi được phân chia làm 6 cấp độ theo đúng chuẩn kỳ thi Bebras toàn cầu. So với năm trước đó, số lượng thí sinh đã tăng gấp đôi, mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 toàn bộ việc tổ chức thi phải chuyển sang hình thức trực tuyến (online) trên nền tảng giải pháp Giáo dục Onluyen.vn”, ông Trần Hưng chia sẻ.
Lý giải vì sao chọn giai đoạn “tiểu học”, ông Trần Hưng khẳng định, do đây là giai đoạn trẻ học rất nhanh những kiến thức mới, hay tò mò tìm hiểu mọi thứ xung quanh... Ngược lại, việc học từ sớm cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành nếp suy nghĩ, phát triển trí tuệ, kích thích kỹ năng nhận thức, ghi nhớ và phân tích.
Ông Trần Hưng lấy ví dụ: “Như bài toán Hải ly làm cách nào để hoàn thiện đường ray cho tàu về ga (câu hỏi cấp độ 1 dành cho học sinh từ lớp 3 – 4), trẻ vừa phải tập tư duy bằng hình ảnh, vừa phải có trí tưởng tượng để lựa chọn đường ray phù hợp trong 4 đáp án trắc nghiệm mà câu hỏi đưa ra”.
Anh Lê Hùng Sơn – phụ huynh học sinh Lê Như Nguyệt Minh (lớp 4, Hà Nội) cho biết: Lý do gia đình cho Nguyệt Minh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy toán vì đây là một cuộc thi thú vị, có nhiều câu hỏi hay với góc nhìn lạ. Tham gia kỳ thi cũng là một cơ hội để các em có thêm các góc nhìn đẹp về tư duy và logic.
Khi được hỏi về việc tham gia các kỳ thi rèn luyện tư duy sẽ hỗ trợ như thế nào cho các em học sinh trong việc học tập, ông Trần Hưng khẳng định: “Đối với học sinh tiểu học, việc tham gia các kỳ thi không chỉ là cơ hội để cọ xát, rèn luyện tư duy mà còn có thể giải trí thông qua những câu hỏi thú vị. Với các em học sinh lớn hơn (THSC, THPT), việc tham gia sẽ mang lại trải nghiệm thực tế để các em có sự chuẩn bi tốt hơn các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sau này. Qua đó dễ dàng hơn trong việc chọn lựa trường đại học phù hợp”.